[Cảnh báo: Bài viết chứa nội dung có thể gây tranh cãi, trẻ em dưới 28 tuổi, những người-trong-ngành hoặc nhạy cảm khuyến cáo không nên đọc].

Bảo hiểm hiện tại đã trở thành một trong những sản phẩm thông dụng, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ, dành cho phân khúc “dân công sở”. Nhiều người thậm chí còn lựa chọn làm tư vấn viên bảo hiểm bán thời gian bên cạnh công việc chính để gia tăng thu nhập. Với kinh nghiệm tiếp xúc của Chó Sói, phía bên dưới là những điều nên và không nên làm khi tham gia bán và mua bảo hiểm:

  1. Đối với bên bán:

– Đừng cố “nhân văn hoá” bảo hiểm, cố gắng làm nó “tươi đẹp” hơn các ngành nghề bán hàng khác:

Các kiểu thường thấy là:

“Chúng tôi không bán sản phẩm hay dịch vụ, chúng tôi chỉ giúp bạn bảo vệ cuộc đời” hay:

“Niềm vui của mình là nhìn thấy khách hàng được bảo vệ” hoặc:

“Đến khi khách hàng lên giường bệnh mình mới cảm thấy ý nghĩa trong công việc này. Giá như mọi người mua bảo hiểm sớm hơn”…

Tại sao?

Dù cảm nhận cá nhân thì không có đúng sai, nhưng khi bán hàng thì nên hiểu, bản chất của nó không có thay đổi. Đó là tương quan được-mất. Công ty bảo hiểm không có “tình người” hơn công ty bán đồ ăn nhanh. Khách hàng trả tiền để mua đồ ăn, cũng giống như khách hàng trả tiền để mua sự bảo vệ. Hay trả tiền để chữa trị tại bệnh viện. Nghề bán bảo hiểm cũng bình thường như bao nghề khác, chứ không “nhân văn” gì hơn. “Giá như khách hàng mua bảo hiểm trước khi nhập viện” từ miệng tư vấn viên, cũng giống như câu “giá như khách hàng đi ăn bò bít tết” trước khi bị đóng cửa vì “lockdown”, nó là chuyện được mất thông thường thôi.

– Đừng cố “lợi nhuận hoá” bảo hiểm:

Bảo hiểm bản chất là phòng ngừa rủi ro, chứ không phải tạo ra lợi nhuận. Dù Chó Sói hiểu rất nhiều khách hàng, đặc biệt những người tư duy yếu, không hiểu được điểm này, nên một số bạn tư vấn viên cố tình “thổi phồng” lợi nhuận bằng những con số dự kiến cao chót vót, vào cuối đời khách hàng, thay vì tập trung vào con số tối thiểu đảm bảo, để bán được hàng. Nếu bạn không muốn mang tiếng “lừa đảo” về lâu dài, thì đừng làm theo cách này. Nếu khách hàng muốn lợi nhuận cao, hãy khuyên họ đầu tư vào chứng khoán hay bất động sản, hoặc tự kinh doanh, và nhắc họ lợi nhuận cao thì rủi ro cao, chứ đừng mua bảo hiểm.

– Đừng nói “công ty em có chính sách chi trả hay bảo vệ tốt hơn”:

Chỉ có sản phẩm khác nhau, còn các công ty bảo hiểm đều như nhau, mức phí tương tự nhau, chính sách tương tự nhau, chế độ chi trả cũng tương tự. “Công ty bảo hiểm em đang làm tốt hơn công ty XYZ (trừ trường hợp so sánh công ty tư nhân với nhà nước, vốn dĩ cũng kì quặc)”, là một câu hết sức xạo-sự. Ngoại trừ công ty bảo hiểm mới tham gia thị trường, hay vừa tung sản phẩm mới [thường trả hoa hồng cao hơn cho tư vấn viên, áp doanh số thấp hơn, để tư vấn viên chuyển qua công ty nhiều hơn], chứ sau giai đoạn đó thì công ty nào chính sách cũng như nhau. Nguyên khúc này càng không liên quan gì nhiều tới quyền lợi khách hàng, trừ năm đầu tiên có khi chiết khấu hay quà tặng tốt hơn một chút, nhưng không đáng kể gì, vì mọi sản phẩm đều có khung, không thôi BTC và các công ty bảo hiểm nhà nước như BV lại chẳng ý kiến điều chỉnh!

(Còn tiếp)

#camnangchosoi #camnangdilam #kinhnghiemdilam

Author

Write A Comment