Đợt trước, Chó Sói đã có bài viết về cách xây dựng mối quan hệ với cấp trên, và một trong những điều kiện quan trọng được nêu, đó là: “Nếu bạn chưa làm gì khiến Sếp khó chịu, căm ghét bạn…”. Đợt này, chúng ta sẽ tiếp tục chủ đề quan hệ với cấp trên, và vấn đề nổi cộm hôm nay, đó là: Làm gì khi Sếp ghét bạn?
Thật ra, nếu bạn có cảm giác rằng Sếp ghét bạn, và nếu cảm giác của bạn là đúng, thì xin chúc mừng: Việc giữ bạn ở lại làm việc, chứng tỏ Sếp chưa kiếm được ai “ưu tú” hơn bạn.
Tuy nhiên, dù có chút đáng-mừng, thì khả năng xuất hiện nhân vật ưu tú ấy là rất khả thi. Cho nên, trong khoảng thời gian còn lại, nếu bạn vẫn muốn tiếp tục ở lại công ty, đây là một số hướng dẫn cho bạn:
- Đừng ghét ngược lại sếp: Bạn biết đấy, một bên ghét là đã đủ phức tạp tình hình rồi.
- Đặt một cuộc hẹn đối thoại: Hãy mở đầu một cách thẳng thắn, theo kiểu: “Dù không biết mình có có đang nghĩ đúng không, nhưng em có cảm giác Sếp không thích em, nên em muốn gặp Sếp để hỏi chuyện. Không biết em đã làm gì khiến Sếp cảm thấy không thoải mái ạ?”
Sau câu hỏi này, có hai việc sẽ xảy ra:
Một là, Sếp sẽ chối, theo kiểu: “Không hề, anh không có ác cảm gì với em cả. Chỉ là hiểu lầm thôi!”. Lúc này, bạn hãy nói cụ thể những tình huống khiến bạn có cảm giác sếp khó chịu với bạn, và nhờ Sếp giải thích rõ thêm về những tình huống đó, vì sếp đã nói là “hiểu lầm” còn gì. Sau khi hết hiểu-lầm, nếu bạn cảm thấy có thể tin tưởng được câu trả lời của Sếp, hãy coi đây như một buổi hướng dẫn/tư vấn nghề nghiệp, và áp dụng “3 cách xây dựng quan hệ với cấp trên” để cải thiện tình hình.
Khoảng 80% trường hợp, Sếp sẽ chối như trên, cho dù Sếp có thật sự ghét bạn hay không. Nhưng không sao, nếu bạn không ghét ngược lại Sếp, thì chỉ cần bạn đủ mặt-dày để tiếp tục xây dựng mối quan hệ với Sếp, không có vấn đề gì xảy ra.
Hai là, Sếp không chối, mà thừa nhận luôn: “Anh không ưa nổi em, nhưng em đang được giữ lại vì chất lượng công việc”. Lúc này, xin chúc mừng bạn. Nếu Sếp nào nói với bạn như vầy, đây là những người Sếp trung thực và cứng rắn. Họ không sợ bạn nghỉ việc, nhưng cũng đủ thông minh để không đuổi việc bạn một cách không cần thiết, chỉ vì người ta ghét bạn. Lúc này, Chó Sói nghĩ bạn càng nên ở lại. Tương tự như ở trên, bạn hãy hỏi Sếp lý do Sếp không ưa nổi bạn, và thử xem bạn có thể cải thiện điều gì.
- Tất nhiên, có những điều không thể cải thiện: Ví dụ như bạn có ngoại hình giống người yêu cũ từng bỏ Sếp chẳng hạn, thì Sếp có thể ghét bạn bất chấp nỗ lực hàn gắn. Tuy nhiên, hãy tranh thủ hàn gắn. Suy cho cùng, sau khi bạn đã nỗ lực hết sức rồi, thì việc Sếp có ghét bạn hay không sẽ không còn ý nghĩa nữa. Chỉ cần đối thoại rõ ràng, thì bạn có thể lựa chọn ra đi bất kỳ lúc nào, và không có gì để uất ức, hoặc nuối tiếc.
Nhưng Chó Sói biết, có một cách dễ hơn và được nhiều nhân viên áp dụng hơn, đó là nếu Sếp ghét ta thì ta sẽ tụ tập đồng nghiệp nói xấu Sếp, thêu dệt thêm nhiều câu chuyện không đúng, hoặc mấy nhận xét bất chấp, kiểu như: “Do bả ế chồng nên ghét mình, vì mình có chồng đẹp trai(!)” chẳng hạn. Chó Sói không thể ép bạn làm gì, nhưng Chó Sói biết, rằng cách dễ này chưa bao giờ là cách tốt nhất cả.
Cách tốt nhất, luôn cần một chút can đảm. Can đảm như việc nói chuyện với Sếp một cách rõ ràng. Chó Sói hy vọng bạn làm theo cách khó, bởi vì nếu bạn làm được, thì cho dù Sếp có ghét bạn, Sếp cũng sẽ đồng thời phải tôn trọng bạn, tôn trọng sự dám khác biệt.