Author

Chó Sói

Browsing

[Đoạn bên dưới chứa nội dung có thể gây tranh cãi. Trẻ em dưới 28 tuổi, phụ nữ chưa mang thai và những người nhạy cảm được khuyến cáo cẩn thận khi đọc].

[Đặc biệt dành cho các bạn trẻ từng nghe lời xúi-bậy về việc “dung hoà” từ một người-dạy-tên T-nào-đó đang mở một trường-đào-tạo-tên P-nào-đó lên trên một kênh-V-nào-đó.]

Mẹ Chó Sói là người phụ nữ lớn tuổi thuộc thế hệ xưa. Đối với mẹ Chó Sói, thì việc tổ chức các đám tiệc (như cưới hỏi, giỗ chạp…) là rất quan trọng, phải làm lớn, phải mời mọi người liên quan, mới đúng “đạo”. Chó Sói, dù đã trải qua hơn nửa đời người, lại thuộc thế hệ khác. Chó Sói có quan điểm khá đối lập, rằng cuộc sống chỉ cần vài người quan trọng thôi, và những thứ như cưới hỏi, giỗ chạp…chỉ nên dành cho những người trong gia đình, và vài người thân cận nhất thôi, là được.

Chúng ta hãy hình dung, rằng nếu có một đám cưới xảy ra, thì mẹ Chó Sói sẽ tạo danh sách khách mời cỡ 1000 người, trong khi Chó Sói chỉ có khoảng 30 người, chẳng hạn. Ví dụ cụ thể và thiết thực hơn, là khi đám giỗ ba của Chó Sói, mẹ Chó Sói đòi mời rất nhiều họ hàng, bạn bè, thân hay không thân gì cũng như nhau, tới tham gia. Trong khi Chó Sói thì không định làm vậy.

Nếu bạn nghĩ: “Thì thôi, Chó Sói cứ để mẹ Chó Sói làm đi, có gì đâu”, thì đúng rồi, bạn nghĩ tạm ổn. Nhưng vấn đề là, nếu mẹ Chó Sói bắt buộc Chó Sói phải tham gia “tiếp khách” hết với những người đó, ngồi chuyện trò cùng với những người đó, thì sao?

Và nếu Chó Sói từ chối, thì “mẹ sẽ từ mày, vì mày không biết sống tình nghĩa, không có đạo lý” chẳng hạn?

Bạn định làm gì, bạn dung hoà thế nào? Và nếu bạn nghĩ, “thôi, đây là những thứ một năm mới tổ chức một lần, nhịn là được” thì để Chó Sói nói cho bạn nghe, mẹ Chó Sói rất hay tổ chức và tham gia những thứ như vậy. Rồi, giờ bạn tính làm gì?

Và nếu bạn không làm, và mẹ bạn có-thể sẽ đi kể với vài-người-thân-thuộc, nhưng sau đó lan ra rất nhanh, rằng bạn là người lạnh lùng, không có tình nghĩa, không có đạo lý lắm?

Bạn sẽ hành xử thế nào?

Nếu bạn vẫn còn ý nghĩ có thể dung-hoà trong những vấn đề như thế này, thì bạn cũng thật ngây-thơ. Tất nhiên, có thể mẹ bạn chỉ “dọa” từ bạn thôi, không “từ” bạn thật. Nhưng vấn đề là nếu mẹ bạn làm thật, thì bạn có thay đổi cách ứng xử không?

Và nếu bạn thay đổi cách ứng xử, rồi từ đó về sau, bạn sẽ phải sống tiếp như vậy, bạn có “hy sinh” bản thân không? Và bạn có thấy hạnh phúc không?

(Còn tiếp)

#camnangchosoi #kinhnghiemcuocsong

[Đoạn bên dưới chứa nội dung có thể gây tranh cãi. Trẻ em dưới 28 tuổi, phụ nữ chưa mang thai và những người nhạy cảm được khuyến cáo cẩn thận khi đọc].

[Nhân dịp trò chuyện với một số bạn-trẻ, nhưng dành cho mọi người lớn tuổi hơn…].

Nếu bạn nào đã từng theo dõi trang này và đọc được hơn một nửa số bài viết trên trang, các bạn sẽ nhận thấy một sự thật, rằng Chó Sói là một người rất khôn ngoan, cực kỳ biết ăn ở. Nhưng nếu bạn cho rằng cũng vì vậy, mà Chó Sói sẽ được nhiều người yêu thích, các mối quan hệ xã hội xung quanh đều rất tốt, thì sự thật không phải như vậy đâu. Phiên bản Chó Sói trong mắt mọi người đều rất khác biệt.

Hãy hình dung tình huống bạn đi hỏi dòng họ bên Nội của Chó Sói chẳng hạn.

Dòng họ bên Nội của Chó Sói rất thích nhậu nhẹt, thường tụ tập nhậu nhẹt mỗi khi có thể. Chó Sói không thích nhậu. Nhưng điều này không phải là vấn đề. Vấn đề là mỗi lần nhậu say, mọi người lại hay cãi lộn, khích bác nhau [thường dựa trên sự so sánh về cuộc sống của nhau], và khi dòng máu “Xô Viết Nghệ Tĩnh” nổi lên, đã có rất nhiều lần một số “chiến sĩ” cầm dao rượt đuổi những người còn lại, do mâu thuẫn lúc tranh cãi. Chó Sói cực kỳ dị ứng chuyện này.

Nên Chó Sói rất ít xuất hiện. Càng không tham gia những cuộc nhậu. Chuyện này đáng lẽ không có gì đáng nói. Nhưng không. Vấn đề là bởi chỉ có mình Chó Sói kiên quyết không tham gia, từ xưa tới giờ [tức không uống chung, chỉ ăn chung những dịp lễ, tết…], nên xuất phát từ đâu thì không biết [và chắc dựa trên vẻ ngoài và thông tin bên lề về cuộc sống của Chó Sói], mọi người bên Nội đồn rằng do Chó Sói giàu hơn nên “khinh” mọi người, không muốn ngồi nhậu chung. Và mọi người không chỉ kể cho những người đủ tuổi, mọi người còn truyền tin đồn xuống các thế hệ nhỏ hơn, như những đứa cháu non nớt của Chó Sói, khi có đứa trẻ nào hỏi về việc tại sao Chó Sói hay xuất hiện chóng-vánh tại dòng họ.

Nếu bạn là Chó Sói, bạn định làm gì? Bạn có ý định thanh minh?

Và nếu bạn thanh minh, bạn nghĩ kết quả có thay đổi không? Nếu Chó Sói nói rằng vì mọi người nhậu nhẹt bạo lực kỳ-dị như vậy, nên Chó Sói mới không tham gia, thì mọi người sẽ hết nhậu, sẽ nhận mình kỳ-dị mà hành xử khác đi? Hay mọi người vẫn sẽ truyền tai nhau về một tin-đồn giàu có và khinh người của Chó Sói?

Nếu bạn hỏi bất kỳ người nào, dù là đứa trẻ, hay những người lớn tuổi hơn, trong dòng họ bên Nội của Chó Sói, bạn nghĩ mọi người sẽ nói điều gì tốt về Chó Sói không?

Còn nếu không, vậy Chó Sói sẽ phải ngồi nhậu, và tham gia vào các cuộc tranh luận? Cứ cho là Chó Sói chỉ cần ngồi uống và không tham gia tranh luận, vậy Chó Sói sẽ phải làm chuyện đó trong bao nhiêu lần sau nữa [hay cho tới khi gan thận của Chó Sói có vấn đề, vì nhiều người trong dòng họ Nội đều đã phát bệnh rồi?], thì tin đồn này mới “lắng” xuống?

Quan trọng hơn, là Chó Sói, hay bạn, liệu có hạnh phúc hơn, khi tin đồn lắng xuống?

Tất nhiên, một số các bạn ở đây, sẽ ngay lập tức: “Thôi, dòng họ ấy mà, không cần quan tâm nhiều như vậy!”, Chó Sói sẽ cho bạn một ví dụ khác.

Đó là về mẹ của Chó Sói.

(Còn tiếp)

#camnangchosoi #kinhnghiemcuocsong

Bạn thấy gì từ “drama” những ngày qua?

Nếu bạn đủ trưởng thành, bạn sẽ nhận ra, vốn dĩ drama đó chẳng nên bắt đầu. Trong một xã hội thật sự văn minh, nó sẽ không có chỗ đứng để tạo “sóng gió” như vậy.

Tại sao?

Có những lời nói vốn dĩ không đúng, nhưng cũng chẳng sai. Người nói đứng trên góc nhìn của họ, đứng trên tư tưởng [dù còn non nớt của họ] để phát ngôn, thì đó là ý kiến cá nhân. Họ không nói về một người cụ thể nào, thì mình cũng đừng tự nhạy cảm để biến mình thành người-họ-nói. Đó gọi là “có tật giật mình”. Khi bạn trưởng thành hơn, nếu người ta không chỉ đích danh của bạn, thì bạn sẽ chẳng có nhu cầu đính-chính gì với những ý kiến cá nhân chung chung mơ hồ. Bạn sẽ mặc kệ những điều tiếng như vậy.

Công kích người nổi tiếng chỉ vì một ý kiến cá nhân là một sự non nớt. Nhiều người lên tiếng chắc tưởng mình đang đấu-tranh cho công lý. Thật ra, chẳng có công lý nào ở đây cả. Đó chỉ có sự hả hê để “dìm” người khác xuống, bất chấp là bạn đang ghen tị, hay đang muốn chứng tỏ sự-nhạy-cảm của mình.

Tất nhiên, đó là cái giá của sự nổi tiếng. Người nổi tiếng thường đứng vững vì sự yêu thích hơn là vì sự đúng-sai, hay giỏi-giang của họ. Bất kể bạn giỏi đến độ nào, thì bạn vẫn nên có đủ sự yêu thích nhất định. Cái mà cô bé đó nên hiểu, chính là chuyện này.

Vậy còn cậu bé?

Cậu bé chính là ngụ ý của tiêu đề. Cậu bé [có thể] thật sự giỏi giang, và nên tự hào. Nhưng lòng tự hào hãy gắn với chính bản thân mình, rằng mình đã nỗ lực như thế nào, đã cố gắng như thế nào, đã chống chọi như thế nào, để thành công hơn mình của ngày hôm qua. Đó mới là điều cậu bé nên hiểu. Thành công vốn dĩ là thứ mơ hồ, thứ mình cho rằng đó là “thành công” cũng chưa chắc là thứ khiến người khác phải ngưỡng mộ, và việc đem lên bàn cân so sánh hai đối tượng, vốn dĩ khác biệt ngay từ đầu về nền tảng, tính cách, nguồn lực… để cho rằng ai “giỏi” hơn, ai “thành công” hơn, ai được quyền nói về “trà sữa” nhiều hơn…vốn dĩ luôn là một điều hết sức ngốc-nghếch và vô cùng thiển cận.

Nếu mình đã thành công như vậy, mà vẫn còn sân si như vậy, thì mình liệu có khác gì cô bé mà mình lên án không?

Còn một người-lớn bỗng dưng nhào vô thì thôi. Chán chả buồn nói.

Từ một trào lưu cũng đủ thú vị, nay đã biến thành một thứ hết sức độc hại. Từ chỗ nên tự hào về thành công của bản thân, nay lại là chỗ để sân si. Đó chính là điển hình của những xã hội còn thiếu văn minh.

Một bạn trẻ chạy xe ôm công nghệ, nếu cố gắng hoàn thành thêm một cuốc xe mỗi ngày, để đủ tiền đóng học phí, thì bạn cũng nên cảm thấy mình đã “thành công” hơn. Và nên tiếp tục cố gắng. Chứ không phải để thấy mình “đã chăm chỉ hơn những người chạy xe ôm công nghệ khác”. Nhắc lại, nếu không chỉ đích danh ai, thì lời nói, phát ngôn, hay ý kiến cá nhân nào cũng chỉ là chung chung, mang tính tham khảo. Nếu nó sai với mình, thì vốn dĩ chả cần phải nghĩ tới. Nếu nó đúng với mình, thì nên điều chỉnh thêm để thành công. Chẳng lúc nào, chẳng khi nào, lại cần lên “giật mồng”, công kích cá nhân người khác, đặc biệt là ở trên mạng.

Lòng tự hào lại hoá chỗ sân si, thì học hành bao nhiêu, giỏi giang bao nhiêu, thành công bao nhiêu, vốn dĩ có còn ý nghĩa gì nữa chăng?!

Khi nào, thì xã hội mình có thể dừng bớt những loại drama như thế này?

#camnangchosoi #kinhnghiemdilam

Chó Sói hiểu rằng, ngày còn trẻ, đúng-sai đối với mọi người là rất quan trọng. Có nhiều thứ cần phải rạch ròi, và đa phần mọi người (đặc biệt là các bạn trẻ) sẵn sàng theo đuổi tới cùng những lựa chọn của bản thân, miễn là các bạn cho rằng mình đúng.

Có lẽ là do xã hội đã thay đổi, có lẽ là do cách thức và môi trường giáo dục khác nhau, có lẽ là do suy nghĩ, đặc biệt trong môi trường mạng, một số người thậm chí còn hành động và phát ngôn không có một chút giới hạn nào.

Đúng-sai thật sự quan trọng như vậy sao?

Nếu bạn định trả lời là “không”, nó không quan trọng như vậy, thì, thật sự hết sức nguy hiểm. Cho dù là lúc nào, thì đúng-sai vẫn luôn quan trọng. Nó là tiêu chuẩn nền tảng để hành xử.

Vấn đề ở đây, là làm sao bạn biết bạn đang “đúng”?

Phải rồi, đây mới là ý của tiêu đề.

Làm sao bạn biết bạn đang “đúng”?

Bởi vì, trong rất nhiều trường hợp, cái “đúng” của bạn thật ra chỉ là ở vấn đề các bạn đang nói, chứ tuyệt nhiên không nằm ở cách trình bày, hay lời nói, hay hành động được thể hiện.

Tức là, bạn chỉ đang đúng “nội dung”, chứ không đúng về mặt “cách thức”.

Thêm vào đó, đôi lúc “nội dung” chỉ đúng với bạn, chứ không đúng với những người xung quanh. [Ví dụ: bạn ghét những người đi làm vì tiền, nhưng có nhiều người thích những người này, như các Sếp Sales]. Lúc này, cái cần “đúng” hơn lại là “cách thức”. Nếu bạn nói “ai đi làm vì tiền là có vấn đề” thì, các bạn có thể đúng, nhưng cách biểu hiện “bất chấp” đó cũng sẽ khiến cho người ta quên đi “nội dung” các bạn đang trình bày [tức cá-nhân bạn ghét họ], mà chỉ chú trọng vào “cách thức” các bạn đang trình bày mà thôi [tức bạn đang lên án người khác một cách vô căn cứ].

Đặc biệt trong các mối quan hệ, hoặc trong các trường hợp mà lựa chọn chỉ đơn giản là đánh đổi cái này với cái kia [ví dụ như tăng lương thì tốt cho người lao động và sự hài lòng trong nội bộ nhưng không tốt cho lợi nhuận ngắn hạn của các cổ đông và nhà đầu tư], việc chứng minh ai đúng, ai sai không quan trọng bằng việc làm sao để cả hai phù hợp hơn với nhau. Bởi vì, rất nhiều trường hợp là cả hai cùng “đúng”. Nếu muốn thuyết phục người khác hành động theo ý mình, thì cần nhiều hơn cái đúng. Và tất nhiên, đôi lúc cũng chẳng cần đúng.

Biết rõ rằng mình không chỉ cần “nội dung” đúng, mà cần cả “cách thức” đúng, cho từng đối tượng tiếp xúc, vào thời điểm phù hợp nhất, mới gọi là trưởng thành.

Nghĩa là, “nội dung” đôi khi không quan trọng, “cách thức” còn quan trọng hơn nhiều. “Của cho không bằng cách cho”, “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”… chính là ý nói về việc lựa chọn cách thức và thời điểm tiếp cận phù hợp nhất trong nhiều trường hợp mới là quan trọng. Và nhiều người thất bại không phải vì họ “sai”, mà vì họ đã tiếp cận theo một cách thức hoặc thời điểm “không phù hợp”.

Cho nên mới ra kiểu, “em rất tốt nhưng anh rất tiếc!”

Cần phải nhắc lại, Chó Sói không nói trưởng thành nghĩa là từ bỏ điều mình cho là đúng. Con người không ai làm vậy.

Trưởng thành ở đây, chỉ đơn giản là học cách hiểu, cách nói, cách trình bày, cách ứng xử với những người nghĩ khác, và làm khác mình, sao cho cả hai có thể hoà hợp tốt nhất mà thôi (*).

——–

(*): Tất nhiên, có những lúc không thể “hoà hợp” được, vì sự cực đoan của một số người và một số tình huống. Tham khảo bài viết “Chống lại cả thế giới” để hình dung nền tảng của việc lựa chọn và ra quyết định đúng đắn nhất có thể nha các bạn ơi!

#camnangchosoi #camnangdilam #kinhnghiemdilam

Khi Chó Sói nói về trưởng thành, Chó Sói không bao giờ có ý chỉ về tuổi tác. Có những người 70 tuổi vẫn còn bồng bột, có những người mới 13 tuổi đã thấu hiểu cuộc sống. Tuy nhiên, một cách bình thường nhất, sau năm 18 tuổi, đến thời điểm bạn nhận ra những điều bên dưới, thì tư duy của bạn đã thay đổi, và trưởng thành hơn.

  1. Bạn nhận ra rằng ưu tiên chăm sóc bản thân trước mọi người (kể cả gia đình bạn), không có gì là ích kỷ.
  2. Bạn nhận ra rằng bạn không thể cho cái mà bạn không có, nên “hy sinh bản thân” (dù cho bất kỳ ai) là một điều rất vô ích.
  3. Bạn biết rằng bạn luôn có quyền lựa chọn, ít nhất là 02, cho mọi tình huống.
  4. Bạn biết rằng nếu có việc gì đó liên quan đến bạn mà không đạt được kết quả như mong muốn, thì ít nhất 50% là lỗi của bạn.
  5. Bạn bắt đầu bớt yêu cầu mọi người phải hiểu mình, và cố gắng hiểu người khác hơn.
  6. Bạn biết rằng cho dù có làm gì đi nữa, bạn sẽ không bao giờ đáp ứng được hết kỳ vọng của mọi người về bạn.
  7. Bạn nhận ra rằng có nhiều thứ quan trọng hơn tiền, nhưng tiền vẫn luôn có chỗ đứng của nó.
  8. Bạn nhận ra rằng quan hệ luôn đến từ hai phía, nên chỉ có bạn cố gắng là không đủ.
  9. Bạn bắt đầu tập trung đầu tư vào một số mối quan hệ nhất định, và bỏ qua những mối quan hệ còn lại.
  10. Bạn tập trung vào cuộc sống của mình, và dừng so sánh, cũng như can thiệp, vào cuộc sống của người khác (trừ trường hợp họ yêu cầu).

Rồi đến cuối cùng, sớm hay muộn, bạn cũng sẽ nhận ra: rằng cuộc sống khá đơn giản, chỉ có con người cố gắng phức tạp nó mà thôi.

Nhưng nếu bạn không đồng ý với bất kỳ điều nào kể trên, cũng không phải vấn đề. Bạn cứ đọc lại rồi từ từ sẽ hiểu!:)

#camnangchosoi #camnangdilam #kinhnghiemdilam

Có một dạo, Chó Sói hay đọc được những bài viết về “đức hy sinh”. Như chuyện một người mẹ công nhân nói rằng “mình no rồi” để cho con được ăn thịt. Tất nhiên, là có nhiều người nhảy vào thương cảm. Nhưng, Chó Sói thì không được như vậy. Chó Sói nghĩ khác cơ. Rằng nếu thu nhập của ai đó vẫn còn chưa đủ ăn, thì đáng lý, họ đừng nên đẻ con. Đừng để đứa con của mình ngay từ khi ra đời, đã [hoặc nhiều khả năng] đối mặt với sự thiếu thốn bất hạnh như vậy.

Nhưng tiếc thay, ở xã hội này, có nhiều đứa trẻ, ngay từ lúc chào đời, đã được định sẵn với sự bất hạnh.

Có những đứa trẻ được sinh ra chỉ vì gia đình chưa có con trai, và khi nó không là con trai, thì coi như đã không có gì.

Có những đứa trẻ được sinh ra để hoàn thành giấc mơ của cha mẹ, như phải làm bác sĩ, vì ngày xưa cha mẹ đã không hoàn thành được giấc mơ đó, bất chấp đứa trẻ muốn gì.

Có những đứa trẻ được sinh ra phải học thật giỏi, và hễ điểm thấp thì chịu biết bao chì chiết, bởi vì ba mẹ nó ngày xưa không được học hành tử tế, nên cho dù nó đã cố gắng nỗ lực, thì kết quả “khá” thôi cũng không làm hài lòng đấng-sinh-thành.

Có những đứa trẻ được sinh ra bởi vì ba mẹ nó đang có xung đột, có thể ly hôn, và hy vọng đứa trẻ sẽ giúp hàn gắn mối quan hệ lại với nhau. Hoặc đứa trẻ sẽ giúp ba/mẹ chúng “suy nghĩ lại” để không ngoại tình.

Có những đứa trẻ, như đứa con của chị công nhân đầu bài viết, được sinh ra trong hoàn cảnh vốn dĩ ba mẹ nó còn không lo được đủ đầy cho bản thân [cả về kinh tế lẫn trình độ nhận thức], nhưng lại quyết định đẻ con. Một số người đẻ con với hy vọng “đổi đời”, dù không biết căn cứ trên điều gì?!

Có những đứa trẻ, được sinh ra chỉ để phụng dưỡng cha mẹ, vì cha mẹ đã “có công sinh thành”, chứ không được có cuộc sống riêng. Nên làm bao nhiêu phải gửi về cho gia đình, gánh nợ cho cha mẹ. Hoặc buộc phải lập gia đình, phải đẻ con, phải thế này thế kia. Nói chung, là cha mẹ muốn gì thì bắt con làm cho bằng được, trái ý thì kêu con bất hiếu, đòi sống đòi chết.

Và bất hạnh nhất, có lẽ là những đứa trẻ mà ngay từ đầu, ba mẹ đã không muốn sinh ra chúng, nhưng vẫn buộc phải sinh ra, chỉ vì không thể [hoặc không muốn] phá th**.

[Tất nhiên, độc giả nên hiểu bài viết khuyến khích việc phòng ngừa “an toàn”, để không phải tạo ra tình huống phá th**, chứ không ủng hộ hay cổ súy gì cho việc này].

Thế nên, trước khi sinh ra một đứa trẻ, hãy suy nghĩ thật kỹ. Hãy chuẩn bị đầy đủ, cả về kinh tế, lẫn tư tưởng, của một phụ huynh đúng mực. Hãy hiểu rằng, vì con mình không được lựa chọn ba mẹ, nên ít nhất, cũng phải lo được cho con tới tuổi trưởng thành, đó là nghĩa vụ. Sau khi con cái trưởng thành, thì nó không còn nghĩa vụ gì với cha mẹ [và cha mẹ cũng không còn nghĩa vụ gì với con cái]. Phụng dưỡng hay không, là quyền của con cái [và tiếp tục chăm sóc quan tâm con cái nữa hay không, là quyền của ba mẹ]. Con lo được thì tốt, không lo được thì thôi. Phải luôn luôn tự nuôi được bản thân, kể cả khi về già. Đừng chỉ neo vào con cái để sống.

[Cần hiểu, Chó Sói đang nói về việc ba mẹ đừng nên kỳ vọng hoặc đặt trách nhiệm bắt buộc con cái phải phụng dưỡng, từ góc nhìn của người làm phụ huynh. Điều này không đồng nghĩa với việc cổ súy con cái không phụng dưỡng gì cha mẹ. Con cái nếu làm được việc này thì rất tốt thôi, nên làm, nhưng cần phải hiểu việc phụng dưỡng phải cân nhắc khả năng của bản thân, chứ không nên điên-cuồng chạy theo kỳ vọng phi thực tế!].

Là bậc cha mẹ đúng nghĩa, cần phải hiểu mình luôn có cuộc đời của mình, và con cái có cuộc đời của con cái. Đừng đặt áp lực và tước quyền lựa chọn, hoặc can thiệp thô bạo vào cuộc sống của con cái, chỉ bởi vì mình là cha mẹ.

Đừng nói không không rằng mình “đẻ ra thì sẽ yêu thương, sẽ hy sinh…” mà phải chuẩn bị điều kiện cho sự yêu thương đó. Hãy lo đủ đầy cho mình và cho con rồi hẵng sinh con.

Và nếu thấy mình không thể chấp nhận, hoặc không muốn chấp nhận, bất kỳ điều nào nói trên, thì đừng đẻ con. Đừng đẻ con rồi phải “hy sinh”. Đừng sinh ra những đứa trẻ bất hạnh ngay từ khi chào đời.

—————-

Nếu có bạn nào vẫn kiên quyết sinh con bởi vì nó giúp con người “duy trì nòi giống”, thì cũng không sao. Chó Sói không cản những người “đẻ vô tri”, tức duy trì chức năng giống như một “cái máy đẻ” mà không cần suy xét gì.

Nhưng bạn nghĩ rằng, vấn đề của thế giới này là do chúng ta có quá ít người đó à? Đừng chọc cười Chó Sói!:))

Thậm chí đến một lúc mà con người cần sản sinh thêm, thì trình độ khoa học kỹ thuật [dù chỉ hiện tại thôi] cũng dư sức làm được.

Nhưng cái lúc đó không biết khi nào mới đến, vì lực lượng “đẻ vô tri” nhiều vô số kể. Đừng lo lắng cho thế giới làm gì, nhưng cũng đừng lấy thế giới để biện hộ cho quyết định “đẻ vô tri” của bản thân!:)))

#camnangchosoi #kinhnghiemcuocsong

Trưởng thành là một quá trình đòi hỏi khá nhiều sự tổn thương, hoặc khó chịu, đôi khi là vì cái tôi cá nhân của bạn bị công kích, hay đơn giản bởi vì người ta chưa hiểu rõ được khả năng của bạn. Trưởng thành cũng là một quá trình khá cô độc, bởi vì người ta có thể ở bên cạnh bạn, có thể ủng hộ bạn, nhưng không ai hiểu rõ bạn đang thực sự trải qua việc gì, đang phải đối diện với những vấn đề nào, đang mong muốn điều gì, hay đang đáp ứng những kỳ vọng nào. Cũng chính vì vậy, trưởng thành là một cuộc hành trình dài không có điểm dừng, và bạn không được phép dừng. Hãy dùng tất cả ý chí, niềm tin, nỗ lực, sự bền bỉ, tất cả khả năng và nghị lực của bạn, để trưởng thành hơn.

#camnangdilam #kinhnghiemcuocsong

Chắc bạn cũng từng nghe, hoặc đọc, ở đâu đó, rằng khi người ta càng lớn, họ sẽ càng cảm thấy cô đơn.

Đặc biệt là điệp-khúc, người thành công càng phải cô đơn.

Điều này có đúng không?

Tất nhiên, việc đúng sai phụ thuộc nhiều nhất vào việc bạn định nghĩa từ “cô đơn” [hoặc “thành công”] như thế nào. Nhưng nếu ý bạn “lớn” nghĩa là “trưởng thành hơn”, thì câu trên chắc chắn sẽ không đúng.

Bởi vì sao?

Bởi vì đối với người trưởng thành, càng lớn nghĩa là càng bớt “xã giao” hơn, chứ không phải càng cô đơn hơn.

Tức là về mặt bản chất, khi bạn lớn, thì mối quan hệ của bạn sẽ càng ít về số lượng, nhưng gia tăng về chất lượng hơn.

Hồi còn trẻ, nhiều người thường cảm thấy tự hào khi mình được góp mặt trong hết thảy các đội nhóm, nhiều mối quan hệ, cảm giác mình là bạn của cả thế giới, ai cũng nhận ra, “quảng giao” thật là tuyệt vời.

Nhưng đến khi va vấp, gặp khó khăn, khi không thể đem lại lợi ích gì [nhiều] trong một mối quan hệ, thì bạn mới nhận ra, trong số vô vàn những người bạn [tưởng là] mình có mối quan hệ thân thiết, chỉ một số ít người xuất hiện, và hy sinh lợi ích của bản thân họ để giúp bạn [Chó Sói thích dùng từ “đầu tư” vào mối quan hệ hơn, thay vì “hy sinh”].

Nên, bạn chuyển sự đầu tư nguồn lực của mình, về tiền bạc, sức khoẻ, thời gian…thay vì cho nhiều người, thì chỉ dành cho một số người “đặc biệt”.

Việc lựa chọn đó, là dấu hiệu của sự trưởng thành. Không phải lựa chọn để cô đơn hơn, mà là lựa chọn để sống tinh tế hơn, hợp lý hơn, đúng đắn hơn.

Những mối quan hệ còn lại, tự động theo thời gian, sẽ chuyển về mối quan hệ cung cấp lợi ích. Hai bên đều [nên] tìm thấy lợi ích trong các mối quan hệ xã giao.

Còn với nguồn lực của bản thân, để đầu tư [hay “hy sinh”], thứ tự ưu tiên chỉ còn lại cho một số ít người. Những người mà khi gặp chuyện, lúc thất bại, khi khó khăn… bạn sẽ thoải mái trao đổi với họ, và biết rõ là họ sẽ giúp bạn hết mức có thể. Bạn sẽ không ngần ngại, dù là một giờ sáng, tám giờ tối, hay mười hai giờ trưa…sẵn sàng nhấc điện thoại lên, để gọi cho họ, khi bạn cần.

Sao có thể cô đơn, khi có những người bạn như vậy trên đời?!

#camnangchosoi #camnangdilam #kinhnghiemdilam

Đối với Chó Sói, không có bài học nào từ cuộc sống quan trọng hơn bài học về sự cân bằng. Bất kể tính cách và trải nghiệm của bạn như thế nào, bất kể bạn yêu hoặc ghét điều gì, bất kể bạn tham gia vào bao nhiêu mối quan hệ, hãy mặc kệ mọi người để sống theo cách mà bạn muốn. Chỉ cần lưu ý một điều, đừng bao giờ làm quá!

Ví như:

Tự tin quá thì thành tự cao, mà thiếu tự tin quá thì thành tự ti. Vừa đủ là được.

Thẳng thắn quá thì mất lòng, thiếu thẳng thắn quá thì thảo mai. Vừa đủ là được.

Tin người quá thì dễ bị lợi dụng, thiếu tin người quá thì cô độc. Vừa đủ là được.

Yêu nhiều quá thì độc đoán, yêu ít quá thì thờ ơ. Vừa đủ là được.

Chơi với nhiều người quá thì thành bè, chơi với ít người quá thì thiếu bạn. Vừa đủ là được.

Làm việc nhiều quá thì kiệt sức, làm việc ít quá thì cơ cực. Vừa đủ là được.

Thế nào là vừa đủ?

Đây là lý do rất nhiều người làm quá, vì họ không biết khi nào thì vừa đủ cho mình. Vì họ chưa bao giờ hoạch định đúng nghĩa cho cuộc sống của bản thân.

Chó Sói cũng không thể đưa cho bạn đáp án chính xác, vì Chó Sói không phải là bạn. Chó Sói chỉ có thể cho bạn gợi ý, cũng là 02 câu hỏi quan trọng: Rằng đối với mọi mục tiêu trong cuộc đời bạn, bạn có đưa ra giới hạn nào không?

Và, vì sao giới hạn này có ý nghĩa với bạn?

Đừng “muốn mình trở nên giàu có”, hãy “tiết kiệm được 01 tỷ trong vòng 10 năm”. Tại sao lại là 01 tỷ, tại sao lại là 10 năm? 10 tỷ được không? 20 năm được không? Tại sao?

Nếu là 01 tỷ trong vòng 10 năm, nghĩa là 100 triệu 01 năm, nghĩa là tiết kiệm 8,33 triệu một tháng. Tiết kiệm ít hơn là bị thiếu, tiết kiệm nhiều hơn là bị dư. Nghĩa là có tháng cần ăn chơi ít lại, nhưng có tháng cần tận hưởng nhiều hơn. Thế, nghĩa là đủ.

Đừng “được mọi người yêu mến”, hãy “có 03 người bạn thân suốt đời”.

Đừng “cố gắng làm việc”, hãy “lên chức trưởng phòng trong 5 năm tới”.

Đừng “yêu hết mình”, hãy “cùng nhau xây dựng một ngôi nhà 02 tầng, 04 phòng ngủ, 02 đứa con, mỗi năm đi du lịch nước ngoài một lần.”

#camnangchosoi #camnangdilam #kinhnghiemdilam

[Đăng lại tặng người chị đã mất của Chó Sói]

Gặp lại chị, sau hơn một năm trời điều trị bệnh ung thư.

Chị, quả thật đã khác xưa rất nhiều. Tiều tụy hơn, hậu quả của những lần truyền dịch và uống thuốc. Nhưng, nét cười vẫn rạng ngời như ngày cũ.

Không nói gì nhiều về bệnh tình của chị, mà vẫn như mọi lần gặp gỡ trong suốt hơn 10 năm qua, là ngồi xuống hàn huyên tâm sự. Là nói về những trải nghiệm, những suy nghĩ, những trăn trở. Là nói về cuộc sống, về các mối quan hệ, về con người.

Trong mắt Chó Sói, chị là một người cực kỳ lương thiện. Không phải hoàn hảo, không phải chưa từng mắc sai lầm, nhưng lương thiện.

Mà đối với Chó Sói, làm giàu có thể không khó, chứ làm người lương thiện thì rất khó. Và chắc chắn khó hơn làm giàu rất nhiều.

Là không tham nhũng lấy tiền xây biệt thự, là không nâng điểm đưa con em vào quân đội, công an, là không kê toa thuốc lẫn lộn để lấy tiền hoa hồng, là không xài hóa chất để bán hàng mau chóng. Là không câu cá nơi bờ kè bị cấm, là không vượt đèn đỏ hay chạy ngược chiều, là biết xếp hàng, không xả rác thênh thang. Là không ngoại tình, là dặn con trẻ phải bớt ồn ào nơi công cộng, là giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần, là phân loại rác…

Nhưng lương thiện, nói nghe dễ, chứ làm thì rất khó. Bởi mấy ai vượt qua được lợi ích cá nhân, hay nhu cầu mưu sinh, để sống lương thiện hơn mỗi ngày. Con người có trăm ngàn lý do, để “biện hộ” cho mỗi lần mình bớt đi sự lương thiện.

Và rõ ràng, như người chị của Chó Sói ở trên, lương thiện không giúp bạn tránh khỏi ung thư, hay bệnh tật.

Vậy, lương thiện rút cuộc có ích lợi gì?

Tất nhiên, đối với Chó Sói, đây là một câu hỏi kỳ-dị. Nhưng Chó Sói đồng ý, rằng bạn có lý lẽ riêng của bạn để hỏi: Lương thiện, rốt cuộc có ích lợi gì?

Hãy cùng Chó Sói nghe câu trả lời từ người chị:

“Lúc đầu, khi xuất hiện triệu chứng, và đi khám nhiều nơi không ra bệnh, chị có chút lo lắng trong người. Nhưng đến khi biết kết quả chính xác là ung thư, chị lại bình thản lắm. Chị tự nhiên nhìn lại quãng đời của mình, và nhận ra, chị không có gì phải hối tiếc cả!”

Vậy đấy, đó chính là kết quả của việc sống lương thiện. “Không có gì để hối tiếc”, chỉ-có-vậy-thôi. Nếu nó không mang lại ý nghĩa đặc biệt nào với bạn, thì Chó Sói cũng chẳng có ý kiến gì.

Nhưng Chó Sói tin rằng, những người hạnh phúc nhất mà bạn từng gặp, chính là những người đã sống một cuộc đời không phải hối tiếc. Nên, Chó Sói đang [không ngừng nghỉ] cố gắng sống lương thiện hơn mỗi ngày. Và Chó Sói hy vọng, đến một lúc nào đó, bạn cũng sẽ nhận ra để làm điều tương tự như vậy.

#camnangchosoi #kinhnghiemcuocsong