Author

Chó Sói

Browsing

Nhiều người cứ thích khuyên bảo người khác phải làm gì, trong khi người ta chưa từng nhờ vả mình để cho lời khuyên.

Cái đó, không được gọi là quan tâm.

Cho dù bạn đang tự nghĩ mình có tư cách gì (ví dụ: đàn anh đàn chị, cô chú cậu dì…), hay bạn đang làm với động cơ đúng-đắn nào (ví dụ: thể hiện tình yêu thương, sự lo lắng…), thì, quan tâm đúng nghĩa là dựa trên nhu cầu của người khác, làm theo cách mà họ cần.

Khi bạn thành công với lựa chọn của bạn, điều này không đồng nghĩa rằng người khác cũng phải làm như vậy thì mới thành công. Hãy nhớ rằng, lựa chọn đúng đắn nhất đến từ những người chấp nhận được cái giá phải trả, và bạn thì thường không biết được người ta đang chọn trả cái giá nào đâu!

Dùng “tư cách” và “động cơ” của chính mình để ép người khác lựa chọn theo hướng mình muốn, chứ không phải theo hướng họ cần, là việc tệ nhất có thể làm, trên danh nghĩa của từ “quan tâm”.

Cho dù đó có là con cái, hay em út của bạn, bất chấp bạn đã từng [hoặc đang] có công ơn dưỡng dục to lớn như thế nào.

Hãy khuyên khi được người khác hỏi, còn không hãy im lặng. Cho phép người khác được lựa chọn, và ủng hộ họ trả cái giá mà họ muốn, đó mới là cốt lõi của sự quan tâm.

Tất nhiên, sự lựa chọn nên được giới hạn trong khuôn khổ của pháp luật [Mặc dù vậy, nếu ai đó muốn buôn lậu, và họ chấp nhận trả giá cho việc đó, thì bạn cũng rất khó để khuyên họ làm khác đi được. Việc bạn có thể làm, nếu họ chưa nghĩ đủ, là đưa ra cho họ cái giá phải trả rõ ràng hơn. Lúc này “làm rõ cái giá phải trả” chính là thể hiện sự “ủng hộ”, chứ không có nghĩa ta ủng hộ họ đi buôn lậu!].

Dòng giải thích trong ngoặc vuông là dùng cho những người cố tình đi lạc hướng (cười).

Chó Sói xin được nhắc lại một lần nữa:

“Cho phép người khác được lựa chọn, và ủng hộ họ trả cái giá mà họ muốn, đó mới là cốt lõi của sự quan tâm.”

————————

(*): Tiêu đề, nghe có vẻ “khuyên bảo”, thực chất chỉ viết dành cho “đại chúng”, trên trang riêng của Chó Sói. Mọi người có quyền đọc hoặc không, nên đảm bảo quyền được lựa chọn của mọi người nhé! (Cười)

Khúc dấu (*), cũng là dành cho những người vẫn cố tình đi lạc hướng, nha (cười)!

[Cảnh báo: Bài viết chứa nội dung có thể gây tranh cãi, trẻ em dưới 28 tuổi, những người-trong-ngành hoặc nhạy cảm khuyến cáo không nên đọc].

  1. Đối với bên mua:

– Bỏ ý nghĩ mua bảo hiểm để “sinh lời”: Bản chất bảo hiểm, nhắc lại, là để phòng ngừa rủi ro. Không có rủi ro là rất tốt. Đừng mua bảo hiểm cháy nhà rồi khi nhà không cháy thì tiếc, hết sức kì-dị.

Các kiểu thường thấy là:

“Chị mà bỏ 20 triệu một năm vô chứng khoán thì giờ phải có 40 triệu…”

“Chị rút tiền ra sao lỗ vậy em? Biết vậy chị gửi ngân hàng giờ còn nguyên…”

“Vậy là tới năm 65 tuổi chị sẽ có 10 tỷ phải không em?”

Tại sao?

Dù mục đích “sinh lời” không hẳn là sai khi mua một sản phẩm hay dịch vụ nào đó, thì “sinh lời” phải dựa trên công dụng chính của sản phẩm, như mua ghế là để ngồi, không phải để đứng lên thay bóng đèn. Bảo hiểm là mua “để huề”, không bao giờ cá nhân người mua bảo hiểm lại “lời” hơn công ty bảo hiểm được. Càng không thể lời hơn bất kì ngành nghề nào khác theo thời gian, rút sớm trong những năm đầu hoặc rút trễ trong những năm cuối đời (theo sản phẩm nếu không tiếp tục đóng phí) thì tiền còn rất ít, vì công ty bảo hiểm vẫn phải chi trả tiền cho bộ máy hoạt động của họ, chứ không phải kí vài tờ giấy là xong. Do nhiều tư vấn viên “nhân văn” quá nên nhiều người tưởng công ty bảo hiểm như chỗ làm từ thiện! Không phải nha, đó là công ty tài chính bình thường nhé!

– Không cần quan tâm so sánh các công ty bảo hiểm (công ty bảo hiểm nào mở ra được đều “có tiền”, nếu sập có công ty bảo hiểm khác mua lại), mà tập trung vô từng sản phẩm một, tuỳ theo mục đích:

Mua phòng bệnh thì hỏi về danh sách bệnh, số tiền viện phí nội ngoại trú, có kèm thẻ khám sức khoẻ không, chi tiền trước hay sau. Mua cho con học đại học thì phải biết đóng bao nhiêu năm, lỡ có chuyện con được bao nhiêu tiền/tháng, tiền đó ai giữ, chi trả cho con ra sao? Mua “sinh lời” thì đọc lại mục 1, rồi coi con số phụ lục về số tiền theo “lãi suất đảm bảo”, thường cỡ 2%, đừng coi số “dự kiến”, tưởng chắc chắn được chừng đó thiệt.

– “Bút sa gà xối mỡ”, bớt kiểu tin tư vấn viên mà không đọc hợp đồng:

Không đọc hợp đồng rồi kêu người ta “lừa” mình, thích đóng vai nạn nhân là một sự lố bịch. Đọc thì không cần đọc kĩ những điều khoản bự, mà đọc về những chỗ nguy hiểm sau: “điều khoản loại trừ”, tức khi nào không được trả; các chỗ đánh dấu (*), các dòng chú thích và các phụ lục. Đọc kĩ số tiền tối thiểu (nhắc lại 2 lần, là số theo lãi suất đảm bảo), được nhận (rút khi huỷ hợp đồng) từng năm trong bảng minh hoạ. Các sản phẩm nhân thọ phòng bệnh đa phần không trả cho ung thư giai đoạn 1 và 2, không trả cho hoá trị và xạ trị, muốn “bao” luôn thì phải trả thêm tiền. Nhớ hỏi giá tư vấn viên.

Nên lựa tư vấn viên như thế nào?

Nhiều người mua bảo hiểm do người thân, bạn bè bán. Cái này có mặt trái nguy hiểm. Sản phẩm do “Dì Tư”, “Cô Bảy” bán nhiều khi không hợp với nhu cầu, mà đòi hỏi thêm hay siết chặt các điều kiện thì mất lòng. Chưa kể buồn buồn “Dì Tư” úm luôn cái đồng hồ được tặng vì “hết hàng”, mà mình ngại không đòi “Dì Tư” được. Nên chọn “bạn của bạn” là tốt nhất, không phải người hoàn toàn xa lạ nhưng cũng không thân thiết gì, để mình tha hồ hỏi và siết điều kiện bảo hiểm.

Ai tư vấn mà nói “đây là sản phẩm mới, bên em chịu lỗ để kiếm khách hàng” cũng đừng có tin. Cứ tham khảo thêm vài ba tư vấn viên nữa về cùng một sản phẩm, rồi quyết định mua cũng chưa muộn. Giống như vô bệnh viện, người ta kêu “ung thư” cái đừng nhào liền vô trị. Đi thêm 2-3 bệnh viện nữa khám, nghe phác đồ của từng bên rồi hãy chọn lựa. Mua phòng rủi ro chứ không phải đi cướp cô hồn, đừng có nhanh tay lẹ mắt quá!

Còn mua bảo hiểm nhưng không biết mình đang ưu tiên mục đích gì?

Thôi, cứ làm “nạn nhân” vài lần đi cũng được. Dù sao công ty bảo hiểm cũng chẳng dễ dãi gì cho cam!

#camnangdilam #kinhnghiemdilam #camnangchosoi

[Cảnh báo: Bài viết chứa nội dung có thể gây tranh cãi, trẻ em dưới 28 tuổi, những người-trong-ngành hoặc nhạy cảm khuyến cáo không nên đọc].

Bảo hiểm hiện tại đã trở thành một trong những sản phẩm thông dụng, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ, dành cho phân khúc “dân công sở”. Nhiều người thậm chí còn lựa chọn làm tư vấn viên bảo hiểm bán thời gian bên cạnh công việc chính để gia tăng thu nhập. Với kinh nghiệm tiếp xúc của Chó Sói, phía bên dưới là những điều nên và không nên làm khi tham gia bán và mua bảo hiểm:

  1. Đối với bên bán:

– Đừng cố “nhân văn hoá” bảo hiểm, cố gắng làm nó “tươi đẹp” hơn các ngành nghề bán hàng khác:

Các kiểu thường thấy là:

“Chúng tôi không bán sản phẩm hay dịch vụ, chúng tôi chỉ giúp bạn bảo vệ cuộc đời” hay:

“Niềm vui của mình là nhìn thấy khách hàng được bảo vệ” hoặc:

“Đến khi khách hàng lên giường bệnh mình mới cảm thấy ý nghĩa trong công việc này. Giá như mọi người mua bảo hiểm sớm hơn”…

Tại sao?

Dù cảm nhận cá nhân thì không có đúng sai, nhưng khi bán hàng thì nên hiểu, bản chất của nó không có thay đổi. Đó là tương quan được-mất. Công ty bảo hiểm không có “tình người” hơn công ty bán đồ ăn nhanh. Khách hàng trả tiền để mua đồ ăn, cũng giống như khách hàng trả tiền để mua sự bảo vệ. Hay trả tiền để chữa trị tại bệnh viện. Nghề bán bảo hiểm cũng bình thường như bao nghề khác, chứ không “nhân văn” gì hơn. “Giá như khách hàng mua bảo hiểm trước khi nhập viện” từ miệng tư vấn viên, cũng giống như câu “giá như khách hàng đi ăn bò bít tết” trước khi bị đóng cửa vì “lockdown”, nó là chuyện được mất thông thường thôi.

– Đừng cố “lợi nhuận hoá” bảo hiểm:

Bảo hiểm bản chất là phòng ngừa rủi ro, chứ không phải tạo ra lợi nhuận. Dù Chó Sói hiểu rất nhiều khách hàng, đặc biệt những người tư duy yếu, không hiểu được điểm này, nên một số bạn tư vấn viên cố tình “thổi phồng” lợi nhuận bằng những con số dự kiến cao chót vót, vào cuối đời khách hàng, thay vì tập trung vào con số tối thiểu đảm bảo, để bán được hàng. Nếu bạn không muốn mang tiếng “lừa đảo” về lâu dài, thì đừng làm theo cách này. Nếu khách hàng muốn lợi nhuận cao, hãy khuyên họ đầu tư vào chứng khoán hay bất động sản, hoặc tự kinh doanh, và nhắc họ lợi nhuận cao thì rủi ro cao, chứ đừng mua bảo hiểm.

– Đừng nói “công ty em có chính sách chi trả hay bảo vệ tốt hơn”:

Chỉ có sản phẩm khác nhau, còn các công ty bảo hiểm đều như nhau, mức phí tương tự nhau, chính sách tương tự nhau, chế độ chi trả cũng tương tự. “Công ty bảo hiểm em đang làm tốt hơn công ty XYZ (trừ trường hợp so sánh công ty tư nhân với nhà nước, vốn dĩ cũng kì quặc)”, là một câu hết sức xạo-sự. Ngoại trừ công ty bảo hiểm mới tham gia thị trường, hay vừa tung sản phẩm mới [thường trả hoa hồng cao hơn cho tư vấn viên, áp doanh số thấp hơn, để tư vấn viên chuyển qua công ty nhiều hơn], chứ sau giai đoạn đó thì công ty nào chính sách cũng như nhau. Nguyên khúc này càng không liên quan gì nhiều tới quyền lợi khách hàng, trừ năm đầu tiên có khi chiết khấu hay quà tặng tốt hơn một chút, nhưng không đáng kể gì, vì mọi sản phẩm đều có khung, không thôi BTC và các công ty bảo hiểm nhà nước như BV lại chẳng ý kiến điều chỉnh!

(Còn tiếp)

#camnangchosoi #camnangdilam #kinhnghiemdilam

Tất nhiên, có nhiều bạn sẽ không hiểu Chó Sói đang nói gì.

Ví dụ như thế này:

Với những thể loại phim khác nhau, thì tiêu chuẩn phim hay cũng sẽ rất khác nhau. Cái này thì đúng rồi. Nhưng một kịch bản dở, thì là kịch bản dở, bất chấp nó thuộc thể loại gì, hay bạn đang là “fan cuồng” của thể loại đó như thế nào.

Tương tự như với tô bún bò.

Có nhiều kiểu bún bò ngon, nhưng tô bún bò dở là tô bún bò dở, không phụ thuộc vào “khẩu vị” của bạn. Bạn có thể ăn cay hơn một chút, ngọt hơn một chút, mặn hơn một chút, nhưng phải biết phân biệt được nước lèo đó có đang được nấu đúng kiểu hay không.

Đọc tới đây mà vẫn chưa hiểu gì, thì đó là lý do có tên gọi từ tiêu đề.

Đừng nên tiếp tục sống kiểu “thực bất tri kỳ vị”, lấy sở thích của mình để hành xử và đánh giá mọi thứ, mà không có thêm bất kỳ một nền tảng kiến thức hay tiêu chuẩn cơ bản nào.

Đặc biệt ở thời đại bây giờ, khi mà việc tìm kiểu kiến thức và kỹ năng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Sống “sang” lên nào các bạn, sống có “tiêu chuẩn” hơn nữa nha!

Nhưng bất chấp bạn tiếp tục sống “thực bất tri kỳ vị”, thì cũng không sao. Chỉ cần bớt lên tiếng vào nhiều vấn đề, giữ bản thân và tiêu chuẩn của mình ở yên một chỗ và không đụng đến ai là được.

#camnangchosoi #camnangdilam #kinhnghiemdilam

Khi bạn có thể là người duy nhất quan tâm đến phát triển bản thân, trong khi đội ngũ của bạn vẫn dậm chân tại chỗ…

Khi bạn có thể là người duy nhất kiên quyết giữ trung lập, trong khi mọi người đều tích cực phe phái chính trị công sở…

Khi bạn có thể là người duy nhất lên tiếng ngăn cản ý tưởng kỳ-dị của Sếp, trong khi tất cả mọi người đều hùa theo…

Khi bạn có thể là người duy nhất cống hiến vượt quá mức lương bổng được trả, trong khi những người còn lại thích “việc nhẹ lương cao”…

Khi bạn có thể là người duy nhất quan tâm đến đạo đức và văn hóa, trong khi những người còn lại chỉ quan tâm tới lợi ích…

Hãy nhớ…

Một giọt nước sạch không thể thay đổi được cả đại dương ô nhiễm. Nhưng cũng chính vì vậy, mà bản thân nó lại càng phải nhớ mình là một giọt nước sạch. Tương tự, bạn không cần thiết phải hành động để thay đổi thế giới, nhưng cũng đừng để thế giới từ từ khiến bạn biến chất.

#camnangchosoi #camnangdilam #kinhnghiemdilam

Chó Sói hay nghĩ, để được làm chủ bản thân, và sống theo ước muốn của mình, bạn thường phải chống lại cám dỗ của cuộc sống. Cuộc sống hay khiến ta đi lạc đường.

Có người lạc đường, bỏ qua nghề nghiệp mình đam mê, vì lúc đầu nó không kiếm được nhiều tiền.

Có người lạc đường, bỏ qua người mình yêu thương, vì “phải phát triển sự nghiệp”.

Có người lạc đường, bỏ qua cơ hội lập nghiệp, vì “phải làm công ty có tiếng tăm”.

Có người lạc đường, bỏ qua cơ hội sống là chính mình, vì “phải hoàn hảo trong mắt người khác”.

Bởi vì, đa số hay nghĩ rằng, để sống theo ý mình thì phải đảm bảo rất nhiều thứ. Thế nhưng, thực tế lại không phải như vậy.

Thứ bạn cần để tự do rất ít, thứ bạn muốn mới nhiều. Bạn hay chạy theo thứ bạn muốn, chứ không phải thứ bạn thật sự cần, nên mới dễ lạc đường.

Cuộc sống luôn đầy cám dỗ cho những thứ mà bạn muốn.

#camnangchosoi #camnangdilam #kinhnghiemdilam

Hôm qua, có người bạn rủ Chó Sói đi uống cà phê. Bạn bảo, cuộc sống mưu sinh của bạn dạo này rất vất vả. Bạn kể về nhiều thứ, nhiều sự vụ, những cái bạn mắt thấy tai nghe.

Bạn còn bảo thấy đời bất công, vì bạn bè học đại học cùng thời, đứa con ông này bà nọ, đứa làm chức này vụ kia, an nhàn sung sướng chẳng phải suy nghĩ gì. Đời là thế.

Chó Sói ngồi nghe, cũng gật gù đồng tình vài sự vụ. Nhưng, có cái Chó Sói chẳng đồng tình với bạn. Chó Sói bảo, đời này chẳng bất công như thế.

Bạn hỏi tại sao?

Chó Sói bảo với bạn như vầy:

Chó Sói tin rằng, mỗi người, dù sinh ra ở hoàn cảnh điều kiện nào, đều có một cuộc chiến lớn của riêng mình. Cuộc chiến đó có thể người ngoài không thấy, nhưng người trong cuộc thì sẽ rõ.

Ví như:

– Những người rất giàu hoặc rất nghèo, vất vả nhất chính là giữ cho bản thân mình có đạo đức. Khi bạn quá giàu, bạn sẽ dễ nuông chiều mọi ý muốn của bản thân. Khi bạn quá nghèo, bạn sẽ dễ bất chấp tất cả.

– Những người thuộc tầng lớp trung lưu, vất vả nhất chính là giữ cho bản thân mình không so sánh với người khác. Không ghen tỵ với những người giàu hơn, không xem thường những người nghèo hơn.

Hoặc như:

– Những người đàn ông, vất vả nhất chính là vừa thành công trong sự nghiệp, vừa giữ được sự chung thủy. Khi đàn ông thành công, anh ta có nhiều người đẹp sẵn sàng vây quanh mình.

– Những người phụ nữ, vất vả nhất chính là vừa lo chu toàn sự nghiệp, mà vừa phải chăm sóc gia đình. Không được quá phụ thuộc vào người chồng, nhưng cũng không được xem thường chồng của mình.

– Những người đồng tính, chuyển giới, song tính (LGBT), vất vả nhất chính là sống thật với xu hướng của bản thân. Không vì bất kỳ ai mà đánh mất hạnh phúc của chính mình, cũng không vì sống thật với mình mà bất chấp hết tất cả dư luận.

Hay là:

– Những đứa con sinh ra trong nhung lụa, vất vả nhất chính là vừa đáp ứng kỳ vọng của gia đình, vừa hoàn thành mơ ước của bản thân. Cha mẹ giỏi giang hay kỳ vọng vào con cái, đồng thời cũng hay kết liễu ước mơ của con cái.

– Những đứa con sinh ra trong một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, vất vả nhất chính là giữ cho mình không đánh mất niềm tin vào tình yêu…

Tất nhiên là còn nhiều, và nhiều nữa. Chó Sói nói với bạn, rằng nếu bạn thấy ai đó đang sung sướng hạnh phúc, thì bạn nên hiểu rằng:

Một là, người ta đang cố giấu bạn về sự đau khổ của bản thân, và bạn không giỏi nhìn thấy điều đó.

Hai là, người ta đã đấu tranh rất nhiều để đạt được sự viên mãn, và bạn, chỉ đơn giản là không biết người ta đã phải trải qua những gì.

#camnangchosoi #kinhnghiemcuocsong

Cần phân biệt giữa vui vẻ và hạnh phúc. Vui vẻ là một cảm xúc ngắn hạn [nhất thời], và bạn có thể làm cho ai đó tạm thời vui vẻ bằng cách [chấp nhận] một hành động khiến bạn không vui. Nhưng hạnh phúc thì khác. Hạnh phúc là một hành trình dài không có điểm dừng. Bạn không thể che giấu nó, dù với bất kỳ mục đích gì. Người không thấy được bạn hạnh phúc hay bất hạnh, thật ra là người không quan tâm tới bạn ngay từ đầu, chứ không liên quan gì tới việc bạn có giỏi che giấu hay không. Ai đó có thể bỏ qua một nụ cười vui vẻ của bạn, nhưng tuyệt đối không thể bỏ qua được những biểu hiện hạnh phúc [hay bất hạnh] của bạn, nếu người ta thật sự quan tâm tới bạn.

#camnangchosoi #kinhnghiemcuocsong

Thật tiếc, là bạn không thể khiến cho ai đó hạnh phúc, bằng cách chịu đựng đau khổ thay cho họ. Dù bạn nghĩ bạn đang hy sinh cao cả như thế nào, dù bạn cho rằng bạn đang hành xử đúng đắn tới đâu, thì rốt cuộc, bạn không thể cho người khác thứ mà bạn không có. Việc chịu đựng thay ai đó, cuối cùng sẽ chỉ dẫn tới đau khổ cho cả hai [hoặc nhiều người hơn]. Nếu muốn làm cho ai đó hạnh phúc, thì bản thân bạn phải là người hạnh phúc trước đã.

Đừng dùng những lý do tươi đẹp, để lấp liếm cho sự đau khổ của bản thân. Đừng lầm tưởng mình đang trở thành một biểu-tượng. Nếu không hướng tới hạnh phúc, thì bạn đang sống một cuộc đời thật sai lầm. Hết sức uổng phí cho tất cả.

#camnangchosoi #kinhnghiemcuocsong

Đối với một số người, thì cho dù họ “chạy đi” hay “chạy lại”, bạn vẫn nên (phải) đánh, hoặc ít nhất là đánh để họ không chạy về phía bạn. Bởi vì, trong rất nhiều trường hợp, bạn không thể cam đoan được rằng họ đã thực sự thay đổi, đã “trả giá” đầy đủ, hoặc đã học được trọn vẹn bài học mà họ cần học hay chưa.

Dù mọi người tỏ vẻ ăn năn hối lỗi, thì việc tha thứ cho ai đó một cách qua-loa, không kiểm chứng đầy đủ, chỉ làm tăng thêm cơ hội để người khác gây tổn thương cho bạn, thêm một lần nữa. Mà lần này, tới phiên bạn phải học bài học về sự tha thứ [dễ dãi] của mình, nhưng trong một trạng thái tồi-tệ [và bạn cảm giác mình ngu-ngốc] hơn.

Bạn, hay bất kì một ai, chỉ nên tha thứ cho người khác, hay cho chính mình, khi đã học được đầy đủ bài học, từ sai lầm, và trả giá đầy đủ, cho sai lầm. Để bước tiếp. Đừng biến mình, hay ai đó, thành “bia đỡ đạn”.

#camnangchosoi #kinhnghiemcuocsong #congsochuyennghiep