Author

Chó Sói

Browsing

Thế giới, luôn là một thứ rộng lớn.

Bạn, luôn là một phần nhỏ bé.

Bạn, với quan điểm, suy nghĩ, hành vi, niềm tin, tiêu chuẩn riêng, chỉ nên dùng cho chính mình. Bạn nghĩ bạn giỏi và thành công thế nào không quan trọng, đừng dùng suy nghĩ đó để áp đặt lên cuộc sống của người khác.

Cái này, Chó Sói đã từng nói nhiều lần. Nhưng có nhiều người không hiểu. Vì mượn danh nghĩa “quan tâm”, “đấu tranh cho lẽ phải”.

Đó là “lẽ phải” của bạn thôi!

Nên, nếu muốn can thiệp vào thứ rộng lớn kia, hãy đảm bảo sự hiểu biết về “common sense” của mình đã đủ. Thường, nếu hiểu, bạn sẽ thấy đa phần bạn, và nhiều người khác, không đủ.

Thậm chí không biết nó là cái gì.

Nên, nếu mình yếu kém quá, thì chỉ cần căn cứ vào pháp luật. Điều gì không trái pháp luật, thì để yên cho người khác làm. Bạn thấy cái gì tệ, thì đừng làm. Bạn thấy ai không tốt, thì đừng tiếp cận. Sống yên ổn trong thế giới của bạn, vậy là được rồi.

Đừng can thiệp hay tuỳ ý lên án cuộc sống của người khác. Bạn không phải họ, họ không phải bạn. Không ai cần tuân theo tiêu chuẩn riêng của ai cả. Bạn đúng theo ý bạn, và mọi người cũng đúng theo kiểu riêng của mọi người.

Đừng dài tay nữa. Thế giới tự nhiên có cách cân bằng.

#camnangchosoi #kinhnghiemdilam

Tất nhiên điều này không có gì mới. Đặc biệt nếu bạn yêu thích triết học.

Nó có nghĩa là, khi bạn nghe ai đó khẳng định với bạn, rằng họ có một mối quan hệ thân thiết mà chưa từng trải qua mâu thuẫn, thì hoặc là họ nói dối bạn, hoặc là họ đang ảo tưởng về sự “thân thiết” của mối quan hệ mà họ đang có.

Dù xét trên loại quan hệ nào, từ gia đình, bạn bè, người yêu, hay đồng nghiệp, đối tác…

Mâu thuẫn không nhất thiết dẫn tới tranh cãi. Mâu thuẫn được định hình dựa trên giá trị, lợi ích, tư tưởng, nền tảng và lựa chọn của mỗi cá nhân, luôn có sự khác biệt nhất định.

Phải trải qua mâu thuẫn, thì mối quan hệ mới phát triển được. Giải quyết mâu thuẫn là nền tảng để thấu hiểu sâu rộng về những người trong mối quan hệ được xây dựng.

Nhiều người tránh mâu thuẫn, như không tranh luận với đồng nghiệp, không hỏi rõ ràng đối tác, che giấu thông tin với khách hàng…[cũng như với gia đình, bạn bè…] vì lo sợ mâu thuẫn sẽ làm mối quan hệ xấu đi. Thật ra, mâu thuẫn không làm mối quan hệ xấu đi, cách bạn xử lý mâu thuẫn mới làm cho mối quan hệ trở nên tệ hơn.

Đâu là cách xử lý mâu thuẫn tốt?

Chia vui với bạn, rằng không có một cách hoàn hảo nào có thể áp dụng cho mọi mối quan hệ. Tuy nhiên, có một số lưu ý dễ-ợt bạn đã từng nghe, nhưng chưa làm được cho tới tận bây giờ:

  • Nhận ra được sự thật ẩn đằng sau lời nói của mọi người.
  • Chọn cách giao tiếp phù hợp nhất theo từng đối tượng.
  • Tư duy win-win đúng nghĩa (thực tế hơn, bao gồm cả trường hợp “ít thua nhất”, chứ không phải lúc nào hai bên cũng “win”).

Những người chưa làm được, thường thiếu một trong hai yếu tố quan trọng cần thiết, để xây dựng một mối quan hệ bền chặt: tư duy phân tích quan sát, và sự quan tâm. Nên, mâu thuẫn với họ trở thành thứ rất đáng sợ.

Thật ra, mâu thuẫn trong các mối quan hệ, luôn là một cơ hội đúng nghĩa.

#camnangchosoi #kinhnghiemdilam

Các bạn đang tham khảo website có thể đăng ký các khoá học cơ bản được mở trong tháng 2, bao gồm:

  • Khoá Phát hiện Nói dối: Khai giảng ngày 13/02/2023, đăng ký theo đường link bên dưới: https://forms.gle/7dW9RuJBU5mYoD5VA
  • Khoá Kiểm soát Hành vi: Khai giảng ngày 16/02/2023, đăng ký theo đường link bên dưới: https://forms.gle/xFhjDNppNCSC3vNY6
  • Khoá Công sở Chuyên nghiệp: Khai giảng ngày 17/02/2023, đăng ký theo đường link bên dưới: https://forms.gle/vrNzsX6YBnjSYTXc6

Thông tin hướng dẫn có đầy đủ trong các đường link đăng ký rồi nha các bạn ơi.

From Chó Sói with love,

“Luật sư kì lạ Woo Young Woo” hiện là một bộ phim hay ho, và tách biệt đáng kể so với những bộ phim Hàn hiện tại, vì không đi sâu vào xu hướng “trả thù” hay có một nhân vật phản diện rõ ràng. Đặc biệt, ở tập 3, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra việc chịu áp lực thi cử, học hành, giữ danh hiệu “con nhà người ta”, đối với những người trẻ có thể dẫn đến hậu quả buồn như thế nào.

Lúc trước, khi Chó Sói viết về một sự kiện tương tự, xảy ra vào đầu tháng tư, đã từng nhận xét: “Đó là một tổ hợp đáng buồn: Một thanh niên non dại cùng ba mẹ vô tâm. Tất nhiên người lớn đáng trách hơn chứ, nhưng trách hay không cũng chẳng còn ý nghĩa gì nhiều.”

Lúc đó, rất nhiều nhà đạo-đức-học đã nhảy vào, rồi tính “lồng lộn” lên, rằng “người ta đã buồn rồi còn bị lên án vô tâm, ba mẹ nào mà chẳng thương con.”

Chó Sói trả lời, rằng “vô tâm” ở đây, ý Chó Sói là cái cần quan tâm đã không được quan tâm. Tất nhiên nếu bạn trưởng thành hơn, thì câu “ba mẹ nào mà chẳng thương con” tự nó đã không đúng 100% như vậy rồi. Nhưng, cứ cho là nó đúng 100% về ý định, thì nó cũng thường có nhiều sai sót khi tiến hành hành vi trên thực tế.

Bởi, con trẻ luôn có thế giới riêng. Phải đủ quan tâm, thì mới hiểu được thế giới riêng của con trẻ. Các vị phụ huynh trong bộ phim, không phải không hề “quan tâm” đến con, không lo lắng cho con, hay ngược đãi con cái. Nhưng, họ đã không đủ “quan tâm” để nhận ra những sự thay đổi về tư tưởng, về hành vi, thậm chí khi nó xảy ra chính trong ngôi nhà của mình. Và khi sự việc được kết luận, họ lúc đầu vẫn còn không nhận ra mình đã làm gì sai, và liên tục phủ nhận lỗi lầm từ sự “vô tâm” của mình.

Khi các nhà đạo-đức-học trên mạng nhảy vào tiếp tục, kêu Chó Sói “mượn đau thương để câu view, biết gì mà phán xét”, Chó Sói trả lời: “Làm sai thì phải bị lên án, để học được từ những lỗi lầm.” Không chỉ bản thân người đó, mà những người xung quanh, những hoàn cảnh tương tự, những hành vi tương tự, có thể nhờ đó mà nhận ra được một số bài học từ sự thật. [Tất nhiên, Chó Sói không bàn tới chuyện trang của Chó Sói xưa giờ không cần câu view gì, nhưng các nhà đạo-đức-học bận phán xét trong thế giới của mình quá, nên cũng đâu thấy mình sai gì, nhưng lại bày đặt kêu người khác đang “phán xét”. Có thể, những người đó cũng sẽ hành động rất giống với những bậc phụ huynh trên.]

Chẳng có gì thay thế được sự thật, đặc biệt nên nhận ra việc mình góp phần vào “hậu quả” cao như thế nào. Như Chó Sói đã từng viết, và xin được nhắc lại: “Nếu bạn tham gia vào một việc gì đó, mà nó thất bại, thì ít nhất 50% là lỗi ở bạn.” Hãy tập nhìn nhận về sai lầm của bản thân, dù nó đau đớn, để tiếp tục trưởng thành và tiến về phía trước. Nếu không, bạn sẽ chỉ lập lại lỗi lầm đó dưới một hình thức khác. Bạn đau lòng không là chưa đủ, bạn phải học cách đối diện và nhìn nhận sự thật. Nếu không có [hoặc không còn] cơ hội để xin lỗi, hay mong cầu thứ tha, để cải thiện hành vi, ít nhất, hãy sửa đổi mình từ trong tư tưởng.

#camnangchosoi #kinhnghiemcuocsong

Đối với Chó Sói, nếu bạn nổi tiếng mà không có anti-fan, thì rất kỳ. Nó không cần phải xuất phát từ việc bạn đã làm gì sai. Nó đến từ việc bạn sẽ luôn có quan điểm và cách ứng xử khác với một số người, và chuyện bạn nổi tiếng hơn sẽ khiến họ khó chịu, vì cho rằng quan điểm của bạn sẽ tự nhiên nổi tiếng và ảnh hưởng hơn quan điểm của họ. Chuyện này rất bình thường.

Và anti-fan thường, cũng không có nhiều sức ảnh hưởng, hay cơ hội “tác oai tác quái”, nếu bạn giữ quan điểm một cách nhất quán. Bởi vì, khi bạn nổi tiếng, đó là kết quả của việc bạn có nhiều fan hơn anti-fan, và rất nhiều người, nằm ở nhóm trung lập, biết đến bạn.

Câu chuyện mở rộng các nhóm anti-fan, xuất hiện khi bạn bỗng dưng thay đổi quan điểm, hoặc trước sau bất nhất, khiến nhiều người trung lập, quyết định chuyển thành anti-fan. Cách “xử lý khủng hoảng truyền thông”, theo kiểu mua các nhóm anti, hoặc đe doạ anti-fan, thường là nguyên nhân gây ra việc này. Tức là, bạn không chết vì anti-fan nguyên gốc [tức những người không ưa quan điểm của bạn ngay từ đầu], mà chết vì những người trung lập chuyển qua anti [tức những người không ưa kiểu thiếu nhất quán, trước sau bất nhất của bạn].

Số lượng người trung lập, là rất lớn trong xã hội. Chuyển phần lớn số lượng người trung lập qua anti mình, là một “nghệ thuật của sự không nhất quán”!:)). Sự không nhất quán này, tức thích gì nói đó, không cần biết mình đã nói gì hay làm gì trước đó, thường đến từ cái tôi tự kiêu của những người nổi tiếng [theo kiểu, mình nổi mà, ai làm gì được!], dẫn đến có nhiều người trung lập quyết định tham gia liên minh anti để “làm cho được!” [Như ứng viên nào đó của cuộc bầu cử tổng thống, làm những người trung lập quyết định bỏ phiếu cho người kia chỉ vì quá ghét mình, chứ không phải vì người ta thích thú gì người còn lại!]

#camnangchosoi

Khi ai đó nói với bạn, rằng họ không muốn bạn làm một hành động cụ thể nào đó trong không gian riêng tư của họ, thì chuyện bạn nên làm là tôn trọng ý kiến đó. Bất kể bạn thấy ý kiến đó “đúng đắn” tới đâu, hoặc nó có ý nghĩa cụ thể gì hay không.

Bởi, đó mới là lý do có sự phân biệt về “không gian riêng tư”. Không ai cần giải thích với bạn chuyện họ làm trong không gian riêng tư của họ. Bạn cũng [thường] không được trao quyền để can thiệp vào chuyện đó, dù chỉ là tò mò muốn tìm hiểu động cơ hay thật sự muốn quan tâm tới người khác.

Hãy tôn trọng sự riêng tư của mọi người, để biết giới hạn sự “quan tâm” của bạn.

#camnangchosoi #kinhnghiemdilam #congso

Nếu bạn cho rằng mức lương (thu nhập) đang nhận không tương xứng với năng lực của mình, hãy thương lượng lại. Nếu thương lượng bất thành, hãy ra quyết định xem bạn có nên rời bỏ công ty hiện tại hay không.

Nếu rời bỏ, bạn có thể nói bất kì điều gì bạn muốn.

Nếu ở lại, bạn phải chọn im lặng. Đừng than phiền rằng công ty đang đối xử bất công với bạn, hay đem những điểm xấu của công ty ra chỉ trích.

Tất nhiên, bạn có thể đúng. Tất nhiên, những điểm xấu đó có thể là sự thật. Nhưng chọn ở lại một chỗ đối xử bất công hoặc có nhiều điểm xấu như vậy, mà vẫn không rời đi, lại còn suốt ngày phàn nàn, thì nó không thể hiện gì nhiều về chuyện công ty như thế nào, mà nó thể hiện về chuyện năng lực hoặc tính cách của bạn tệ như thế nào.

Ngay cả con vịt, cũng không “quang quác” nhiều như vậy!

#camnangchosoi #kinhnghiemdilam #congso

Chỉ người trong cuộc mới hiểu rõ mình đang hạnh phúc hay đang đau khổ.

Tất nhiên, chuyện này ai cũng “biết”. Nhưng không phải ai cũng “hiểu”.

“Hiểu” nghĩa là gì?

Nghĩa là gặp bạn, người ta có thể giả vờ “hạnh phúc”, để che đi lựa chọn làm họ đau khổ, bởi vì họ đã lỡ lựa chọn. Người ta không muốn bị mất mặt.

Hoặc là gặp bạn, người ta có thể giả vờ “kêu than kể khổ”, rằng họ cũng mệt mỏi, thật ra là để cho bạn đỡ ghen tị. Bởi, người ta không muốn bạn so sánh.

Nếu bạn chịu quan sát, và đủ tinh tế, bạn thường có thể nhận ra thật sự người trong cuộc đang cảm nhận về thế giới của họ như thế nào. Nhưng, đa phần lại không được vậy. Bởi vì, bạn thường mắc kẹt trong thế giới của riêng bạn, và dùng chính thế giới đó để đánh giá sự sung sướng hay đau khổ của người khác.

Khóc trên xe hơi, bạn thấy người ta vẫn hạnh phúc hơn, là bởi bạn đang mong cầu chiếc xe hơi cho chính bạn. Chứ khóc ở đâu cũng khổ như vậy thôi, bởi nó là tâm trạng của người trong cuộc.

Cười trên xe đạp, bạn thấy người ta vẫn không đủ hạnh phúc, bởi vì bạn đang nhìn chiếc xe đạp, và so sánh với chiếc xe bạn đang chạy. Phải rồi, người không có xe hơi như bạn thì cười trên xe đạp thôi, chứ đâu biết hạnh phúc ngồi xe hơi là như thế nào. Họ vẫn không đủ hạnh phúc trong mắt bạn. Họ phải có xe hơi, và hạnh phúc hơn bạn, lúc đó bạn mới “chịu”. Chứ đâu nghĩ rằng, hạnh phúc cũng chỉ là hạnh phúc thôi.

Chó Sói hay nói với mọi người, sướng khổ là chuyện riêng. Người ta nói thì nghe, vậy là được rồi. Chịu khó quan sát, sẽ thấy được sự thật. Sự thật, đa phần người trong cuộc đều sẽ giấu.

Nên có thấy người ta than khổ, cũng đừng nhào vào cho lời khuyên, ngay cả khi họ hỏi. Đa phần, mọi người không thực sự muốn hỏi đâu.

Ngược lại, thấy người ta có vẻ hạnh phúc, cũng đừng vội buồn cho mình. Đa phần cái bạn thấy, là cái bạn thiếu, không phải cái người ta thiếu. Mọi người, cũng thường không dễ hạnh phúc như vậy đâu.

Hạnh phúc vốn dĩ là một hành trình, của những con người có giá trị sống được tôi luyện. Ở bên cạnh họ, bạn không cần nói, cũng thấy được sự bình an. Người ta sẽ không cần phải kể gì cho bạn.

[Nhân những sự “drama”…]

Lớn rồi, nói chuyện được thì nói, không nói được thì đi chỗ khác.

Lớn rồi, nhìn thấy hay thì làm, không thấy hợp ý thì lướt qua.

Khác ý nhau, thích thì phản biện, không thích thì thôi, khác biệt quá thì “block” nhau cho nhanh.

Cứ tránh nhau ra. Vậy là được rồi.

Đừng tự lãnh cho mình nghĩa vụ “khai sáng” người khác. Mà lỡ có tự lãnh nghĩa vụ đó thì cũng không được bất lịch sự với mọi người.

Không ai mượn mình bất lịch sự. Càng không ai rảnh nghe những người bất lịch sự nói chuyện.

Lớn rồi, đúng hay sai đều phải biết lịch sự. Lịch sự với người khác mình rất cần phải học. Bởi đó là kiểu ứng xử trong một thế giới đầy sắc màu.

Đến lịch sự mà còn không làm được, thì tính làm thêm được gì?!

Mỗi lần Chó Sói lên án, hoặc cảnh báo, về một sản phẩm hay dịch vụ nào đó, từ một cá nhân hay tổ chức nào đó, đều sẽ thấy những người-bảo-vệ của sản phẩm hay dịch vụ vào phán một câu: “Vắng mợ thì chợ vẫn đông. Không có bạn cũng đầy người xài.”

Hoặc thậm chí dữ dội hơn: “Vắng mợ thì chợ vẫn đông. Đồ thù-ghét cá nhân [người hay thương hiệu tạo ra sản phẩm dịch vụ], chứ bao nhiêu người vẫn thích!”.

Thật ra, Chó Sói chưa bao giờ nghĩ rằng mình có ảnh hưởng đến độ sẽ làm cho sản phẩm hay dịch vụ nào đó phải suy nghĩ lại về chiến lược của họ. Đến bây giờ vẫn vậy, Chó Sói cảnh báo hay lên án một điều gì đó, không phải bởi vì người-ta có xem trọng ý kiến của Chó Sói hay không, mà là Chó Sói thấy việc lên án có ý nghĩa gì với bản thân Chó Sói mà thôi.

“Vắng mợ thì chợ vẫn đông”, Chó Sói biết chứ. Nhưng “mợ” vẫn phải vắng. “Mợ” vắng không phải bởi vì kỳ vọng “chợ” sẽ thay đổi, mà “mợ” vắng bởi vì từ giờ “mợ” phải thay đổi. Là chính bản thân “mợ” điều chỉnh hành vi, để không còn phải đến “chợ” nữa.

Cũng chính vì sự thấu hiểu bản thân đó, nên Chó Sói không dùng mẫu câu này với những người âm mưu ủn-phô-lâu Chó Sói. Khi các bạn đó, vì bất cứ lý do gì, nói rằng sẽ không “follow” Chó Sói nữa, Chó Sói hoặc sẽ tự “block” họ cho nhanh, hoặc sẽ nói “Bye bạn, chúc vui!”, hay đơn giản, “tuỳ bạn” [lựa chọn câu nào tuỳ mức độ lịch sự trong comment của đối phương]. Bởi vì, Chó Sói trân trọng khoảng thời gian trước đó họ dành cho Chó Sói. Chó Sói hiểu rằng họ muốn thay đổi hành vi, và, dù đôi lúc rất trào phúng, Chó Sói vẫn tôn trọng quyền lựa chọn của họ. Bởi vì nó nên, và rất nên, được định hình như một hành vi có ý nghĩa với riêng bản thân mỗi người.

Chó Sói thấy các bạn trẻ hay lên án tuỳ tiện, không tìm hiểu kĩ thông tin, thường xuyên không hỏi quan điểm của người khác, thiếu kiểm tra bằng chứng, nên kết luận thường rất chụp giật. Sau đó, nhiều lần phải “quay xe”. Chó Sói, tới bây giờ, chưa phải “quay xe”, là bởi vì Chó Sói chưa từng kết luận tuỳ tiện. Dù thoáng qua một số bài viết có người dễ nghĩ như vậy, dù thoáng qua nhiều bạn trẻ sẽ rất không ưa, tất cả các kết luận được đưa ra đều có ý nghĩa với Chó Sói. Thế nên, dù trào phúng đến độ nào, nếu tẩy chay, Chó Sói sẽ tẩy chay rất triệt để. Nếu không đồng ý, Chó Sói sẽ có rất nhiều luận điểm để phản biện. Và trên tất cả, vì nó có ý nghĩa, không tuỳ tiện chụp giật, được xem xét kĩ lưỡng, nên Chó Sói luôn giữ được mức độ lịch sự cần thiết [sẽ đăng lại ở chương sau]. Bởi vì Chó Sói biết bản thân đang nói điều gì, đang làm chuyện gì, có mục đích nào, và sẽ phải đi [trả giá] bao xa.

Để Chó Sói nhắc lại, đặc biệt cho những độc giả mới, hoặc còn trẻ tuổi: Nếu bạn thấy bất kì thứ gì Chó Sói viết ra thoáng qua có vẻ tuỳ tiện, và thiếu cân nhắc, thì đó chắc chắn là do bạn nghĩ vậy thôi! Hãy hỏi Chó Sói nếu bạn muốn xác nhận sự “tuỳ tiện” đó. Thông thường, nếu không bị cái tôi chiếm lấy, bạn sẽ tự khắc nhận ra sự kì-lạ trong mức độ suy nghĩ của chính mình. Nếu Chó Sói luôn có thể thoát ra khỏi sự “chụp mũ” hay công kích của các bạn, bất chấp việc các bạn có xài từ gì [ví dụ như: “lươn lẹo”, “phủi trách nhiệm”] để chỉ hành vi đó, thì nó đều cũng là do các bạn đã không suy nghĩ thật kĩ lưỡng, hoặc đã không hỏi Chó Sói đủ nhiều!

Vậy đó các bạn, muốn không ưa ai cứ không ưa, muốn phản đối ai cứ phản đối, muốn trào phúng cứ trào phúng, nhưng không cần thiết phải hạ thấp đối phương, hay công kích cá nhân [thái quá]. Cũng không cần phải “đe doạ” người khác rằng bạn sẽ “làm này làm kia” với họ, mà hãy thầm lặng làm những việc có ý nghĩa với chính bản thân mình.

Vắng mợ thì chợ vẫn đông. Vậy đó, nhưng mợ vẫn phải vắng.