Category

Cẩm Nang Chó Sói

Category

Khi Chó Sói nói về trưởng thành, Chó Sói không bao giờ có ý chỉ về tuổi tác. Có những người 70 tuổi vẫn còn bồng bột, có những người mới 13 tuổi đã thấu hiểu cuộc sống. Tuy nhiên, một cách bình thường nhất, sau năm 18 tuổi, đến thời điểm bạn nhận ra những điều bên dưới, thì tư duy của bạn đã thay đổi, và trưởng thành hơn.

  1. Bạn nhận ra rằng ưu tiên chăm sóc bản thân trước mọi người (kể cả gia đình bạn), không có gì là ích kỷ.
  2. Bạn nhận ra rằng bạn không thể cho cái mà bạn không có, nên “hy sinh bản thân” (dù cho bất kỳ ai) là một điều rất vô ích.
  3. Bạn biết rằng bạn luôn có quyền lựa chọn, ít nhất là 02, cho mọi tình huống.
  4. Bạn biết rằng nếu có việc gì đó liên quan đến bạn mà không đạt được kết quả như mong muốn, thì ít nhất 50% là lỗi của bạn.
  5. Bạn bắt đầu bớt yêu cầu mọi người phải hiểu mình, và cố gắng hiểu người khác hơn.
  6. Bạn biết rằng cho dù có làm gì đi nữa, bạn sẽ không bao giờ đáp ứng được hết kỳ vọng của mọi người về bạn.
  7. Bạn nhận ra rằng có nhiều thứ quan trọng hơn tiền, nhưng tiền vẫn luôn có chỗ đứng của nó.
  8. Bạn nhận ra rằng quan hệ luôn đến từ hai phía, nên chỉ có bạn cố gắng là không đủ.
  9. Bạn bắt đầu tập trung đầu tư vào một số mối quan hệ nhất định, và bỏ qua những mối quan hệ còn lại.
  10. Bạn tập trung vào cuộc sống của mình, và dừng so sánh, cũng như can thiệp, vào cuộc sống của người khác (trừ trường hợp họ yêu cầu).

Rồi đến cuối cùng, sớm hay muộn, bạn cũng sẽ nhận ra: rằng cuộc sống khá đơn giản, chỉ có con người cố gắng phức tạp nó mà thôi.

Nhưng nếu bạn không đồng ý với bất kỳ điều nào kể trên, cũng không phải vấn đề. Bạn cứ đọc lại rồi từ từ sẽ hiểu!:)

#camnangchosoi #camnangdilam #kinhnghiemdilam

Có một dạo, Chó Sói hay đọc được những bài viết về “đức hy sinh”. Như chuyện một người mẹ công nhân nói rằng “mình no rồi” để cho con được ăn thịt. Tất nhiên, là có nhiều người nhảy vào thương cảm. Nhưng, Chó Sói thì không được như vậy. Chó Sói nghĩ khác cơ. Rằng nếu thu nhập của ai đó vẫn còn chưa đủ ăn, thì đáng lý, họ đừng nên đẻ con. Đừng để đứa con của mình ngay từ khi ra đời, đã [hoặc nhiều khả năng] đối mặt với sự thiếu thốn bất hạnh như vậy.

Nhưng tiếc thay, ở xã hội này, có nhiều đứa trẻ, ngay từ lúc chào đời, đã được định sẵn với sự bất hạnh.

Có những đứa trẻ được sinh ra chỉ vì gia đình chưa có con trai, và khi nó không là con trai, thì coi như đã không có gì.

Có những đứa trẻ được sinh ra để hoàn thành giấc mơ của cha mẹ, như phải làm bác sĩ, vì ngày xưa cha mẹ đã không hoàn thành được giấc mơ đó, bất chấp đứa trẻ muốn gì.

Có những đứa trẻ được sinh ra phải học thật giỏi, và hễ điểm thấp thì chịu biết bao chì chiết, bởi vì ba mẹ nó ngày xưa không được học hành tử tế, nên cho dù nó đã cố gắng nỗ lực, thì kết quả “khá” thôi cũng không làm hài lòng đấng-sinh-thành.

Có những đứa trẻ được sinh ra bởi vì ba mẹ nó đang có xung đột, có thể ly hôn, và hy vọng đứa trẻ sẽ giúp hàn gắn mối quan hệ lại với nhau. Hoặc đứa trẻ sẽ giúp ba/mẹ chúng “suy nghĩ lại” để không ngoại tình.

Có những đứa trẻ, như đứa con của chị công nhân đầu bài viết, được sinh ra trong hoàn cảnh vốn dĩ ba mẹ nó còn không lo được đủ đầy cho bản thân [cả về kinh tế lẫn trình độ nhận thức], nhưng lại quyết định đẻ con. Một số người đẻ con với hy vọng “đổi đời”, dù không biết căn cứ trên điều gì?!

Có những đứa trẻ, được sinh ra chỉ để phụng dưỡng cha mẹ, vì cha mẹ đã “có công sinh thành”, chứ không được có cuộc sống riêng. Nên làm bao nhiêu phải gửi về cho gia đình, gánh nợ cho cha mẹ. Hoặc buộc phải lập gia đình, phải đẻ con, phải thế này thế kia. Nói chung, là cha mẹ muốn gì thì bắt con làm cho bằng được, trái ý thì kêu con bất hiếu, đòi sống đòi chết.

Và bất hạnh nhất, có lẽ là những đứa trẻ mà ngay từ đầu, ba mẹ đã không muốn sinh ra chúng, nhưng vẫn buộc phải sinh ra, chỉ vì không thể [hoặc không muốn] phá th**.

[Tất nhiên, độc giả nên hiểu bài viết khuyến khích việc phòng ngừa “an toàn”, để không phải tạo ra tình huống phá th**, chứ không ủng hộ hay cổ súy gì cho việc này].

Thế nên, trước khi sinh ra một đứa trẻ, hãy suy nghĩ thật kỹ. Hãy chuẩn bị đầy đủ, cả về kinh tế, lẫn tư tưởng, của một phụ huynh đúng mực. Hãy hiểu rằng, vì con mình không được lựa chọn ba mẹ, nên ít nhất, cũng phải lo được cho con tới tuổi trưởng thành, đó là nghĩa vụ. Sau khi con cái trưởng thành, thì nó không còn nghĩa vụ gì với cha mẹ [và cha mẹ cũng không còn nghĩa vụ gì với con cái]. Phụng dưỡng hay không, là quyền của con cái [và tiếp tục chăm sóc quan tâm con cái nữa hay không, là quyền của ba mẹ]. Con lo được thì tốt, không lo được thì thôi. Phải luôn luôn tự nuôi được bản thân, kể cả khi về già. Đừng chỉ neo vào con cái để sống.

[Cần hiểu, Chó Sói đang nói về việc ba mẹ đừng nên kỳ vọng hoặc đặt trách nhiệm bắt buộc con cái phải phụng dưỡng, từ góc nhìn của người làm phụ huynh. Điều này không đồng nghĩa với việc cổ súy con cái không phụng dưỡng gì cha mẹ. Con cái nếu làm được việc này thì rất tốt thôi, nên làm, nhưng cần phải hiểu việc phụng dưỡng phải cân nhắc khả năng của bản thân, chứ không nên điên-cuồng chạy theo kỳ vọng phi thực tế!].

Là bậc cha mẹ đúng nghĩa, cần phải hiểu mình luôn có cuộc đời của mình, và con cái có cuộc đời của con cái. Đừng đặt áp lực và tước quyền lựa chọn, hoặc can thiệp thô bạo vào cuộc sống của con cái, chỉ bởi vì mình là cha mẹ.

Đừng nói không không rằng mình “đẻ ra thì sẽ yêu thương, sẽ hy sinh…” mà phải chuẩn bị điều kiện cho sự yêu thương đó. Hãy lo đủ đầy cho mình và cho con rồi hẵng sinh con.

Và nếu thấy mình không thể chấp nhận, hoặc không muốn chấp nhận, bất kỳ điều nào nói trên, thì đừng đẻ con. Đừng đẻ con rồi phải “hy sinh”. Đừng sinh ra những đứa trẻ bất hạnh ngay từ khi chào đời.

—————-

Nếu có bạn nào vẫn kiên quyết sinh con bởi vì nó giúp con người “duy trì nòi giống”, thì cũng không sao. Chó Sói không cản những người “đẻ vô tri”, tức duy trì chức năng giống như một “cái máy đẻ” mà không cần suy xét gì.

Nhưng bạn nghĩ rằng, vấn đề của thế giới này là do chúng ta có quá ít người đó à? Đừng chọc cười Chó Sói!:))

Thậm chí đến một lúc mà con người cần sản sinh thêm, thì trình độ khoa học kỹ thuật [dù chỉ hiện tại thôi] cũng dư sức làm được.

Nhưng cái lúc đó không biết khi nào mới đến, vì lực lượng “đẻ vô tri” nhiều vô số kể. Đừng lo lắng cho thế giới làm gì, nhưng cũng đừng lấy thế giới để biện hộ cho quyết định “đẻ vô tri” của bản thân!:)))

#camnangchosoi #kinhnghiemcuocsong

Trưởng thành là một quá trình đòi hỏi khá nhiều sự tổn thương, hoặc khó chịu, đôi khi là vì cái tôi cá nhân của bạn bị công kích, hay đơn giản bởi vì người ta chưa hiểu rõ được khả năng của bạn. Trưởng thành cũng là một quá trình khá cô độc, bởi vì người ta có thể ở bên cạnh bạn, có thể ủng hộ bạn, nhưng không ai hiểu rõ bạn đang thực sự trải qua việc gì, đang phải đối diện với những vấn đề nào, đang mong muốn điều gì, hay đang đáp ứng những kỳ vọng nào. Cũng chính vì vậy, trưởng thành là một cuộc hành trình dài không có điểm dừng, và bạn không được phép dừng. Hãy dùng tất cả ý chí, niềm tin, nỗ lực, sự bền bỉ, tất cả khả năng và nghị lực của bạn, để trưởng thành hơn.

#camnangdilam #kinhnghiemcuocsong

Chắc bạn cũng từng nghe, hoặc đọc, ở đâu đó, rằng khi người ta càng lớn, họ sẽ càng cảm thấy cô đơn.

Đặc biệt là điệp-khúc, người thành công càng phải cô đơn.

Điều này có đúng không?

Tất nhiên, việc đúng sai phụ thuộc nhiều nhất vào việc bạn định nghĩa từ “cô đơn” [hoặc “thành công”] như thế nào. Nhưng nếu ý bạn “lớn” nghĩa là “trưởng thành hơn”, thì câu trên chắc chắn sẽ không đúng.

Bởi vì sao?

Bởi vì đối với người trưởng thành, càng lớn nghĩa là càng bớt “xã giao” hơn, chứ không phải càng cô đơn hơn.

Tức là về mặt bản chất, khi bạn lớn, thì mối quan hệ của bạn sẽ càng ít về số lượng, nhưng gia tăng về chất lượng hơn.

Hồi còn trẻ, nhiều người thường cảm thấy tự hào khi mình được góp mặt trong hết thảy các đội nhóm, nhiều mối quan hệ, cảm giác mình là bạn của cả thế giới, ai cũng nhận ra, “quảng giao” thật là tuyệt vời.

Nhưng đến khi va vấp, gặp khó khăn, khi không thể đem lại lợi ích gì [nhiều] trong một mối quan hệ, thì bạn mới nhận ra, trong số vô vàn những người bạn [tưởng là] mình có mối quan hệ thân thiết, chỉ một số ít người xuất hiện, và hy sinh lợi ích của bản thân họ để giúp bạn [Chó Sói thích dùng từ “đầu tư” vào mối quan hệ hơn, thay vì “hy sinh”].

Nên, bạn chuyển sự đầu tư nguồn lực của mình, về tiền bạc, sức khoẻ, thời gian…thay vì cho nhiều người, thì chỉ dành cho một số người “đặc biệt”.

Việc lựa chọn đó, là dấu hiệu của sự trưởng thành. Không phải lựa chọn để cô đơn hơn, mà là lựa chọn để sống tinh tế hơn, hợp lý hơn, đúng đắn hơn.

Những mối quan hệ còn lại, tự động theo thời gian, sẽ chuyển về mối quan hệ cung cấp lợi ích. Hai bên đều [nên] tìm thấy lợi ích trong các mối quan hệ xã giao.

Còn với nguồn lực của bản thân, để đầu tư [hay “hy sinh”], thứ tự ưu tiên chỉ còn lại cho một số ít người. Những người mà khi gặp chuyện, lúc thất bại, khi khó khăn… bạn sẽ thoải mái trao đổi với họ, và biết rõ là họ sẽ giúp bạn hết mức có thể. Bạn sẽ không ngần ngại, dù là một giờ sáng, tám giờ tối, hay mười hai giờ trưa…sẵn sàng nhấc điện thoại lên, để gọi cho họ, khi bạn cần.

Sao có thể cô đơn, khi có những người bạn như vậy trên đời?!

#camnangchosoi #camnangdilam #kinhnghiemdilam

Đối với Chó Sói, không có bài học nào từ cuộc sống quan trọng hơn bài học về sự cân bằng. Bất kể tính cách và trải nghiệm của bạn như thế nào, bất kể bạn yêu hoặc ghét điều gì, bất kể bạn tham gia vào bao nhiêu mối quan hệ, hãy mặc kệ mọi người để sống theo cách mà bạn muốn. Chỉ cần lưu ý một điều, đừng bao giờ làm quá!

Ví như:

Tự tin quá thì thành tự cao, mà thiếu tự tin quá thì thành tự ti. Vừa đủ là được.

Thẳng thắn quá thì mất lòng, thiếu thẳng thắn quá thì thảo mai. Vừa đủ là được.

Tin người quá thì dễ bị lợi dụng, thiếu tin người quá thì cô độc. Vừa đủ là được.

Yêu nhiều quá thì độc đoán, yêu ít quá thì thờ ơ. Vừa đủ là được.

Chơi với nhiều người quá thì thành bè, chơi với ít người quá thì thiếu bạn. Vừa đủ là được.

Làm việc nhiều quá thì kiệt sức, làm việc ít quá thì cơ cực. Vừa đủ là được.

Thế nào là vừa đủ?

Đây là lý do rất nhiều người làm quá, vì họ không biết khi nào thì vừa đủ cho mình. Vì họ chưa bao giờ hoạch định đúng nghĩa cho cuộc sống của bản thân.

Chó Sói cũng không thể đưa cho bạn đáp án chính xác, vì Chó Sói không phải là bạn. Chó Sói chỉ có thể cho bạn gợi ý, cũng là 02 câu hỏi quan trọng: Rằng đối với mọi mục tiêu trong cuộc đời bạn, bạn có đưa ra giới hạn nào không?

Và, vì sao giới hạn này có ý nghĩa với bạn?

Đừng “muốn mình trở nên giàu có”, hãy “tiết kiệm được 01 tỷ trong vòng 10 năm”. Tại sao lại là 01 tỷ, tại sao lại là 10 năm? 10 tỷ được không? 20 năm được không? Tại sao?

Nếu là 01 tỷ trong vòng 10 năm, nghĩa là 100 triệu 01 năm, nghĩa là tiết kiệm 8,33 triệu một tháng. Tiết kiệm ít hơn là bị thiếu, tiết kiệm nhiều hơn là bị dư. Nghĩa là có tháng cần ăn chơi ít lại, nhưng có tháng cần tận hưởng nhiều hơn. Thế, nghĩa là đủ.

Đừng “được mọi người yêu mến”, hãy “có 03 người bạn thân suốt đời”.

Đừng “cố gắng làm việc”, hãy “lên chức trưởng phòng trong 5 năm tới”.

Đừng “yêu hết mình”, hãy “cùng nhau xây dựng một ngôi nhà 02 tầng, 04 phòng ngủ, 02 đứa con, mỗi năm đi du lịch nước ngoài một lần.”

#camnangchosoi #camnangdilam #kinhnghiemdilam

[Đăng lại tặng người chị đã mất của Chó Sói]

Gặp lại chị, sau hơn một năm trời điều trị bệnh ung thư.

Chị, quả thật đã khác xưa rất nhiều. Tiều tụy hơn, hậu quả của những lần truyền dịch và uống thuốc. Nhưng, nét cười vẫn rạng ngời như ngày cũ.

Không nói gì nhiều về bệnh tình của chị, mà vẫn như mọi lần gặp gỡ trong suốt hơn 10 năm qua, là ngồi xuống hàn huyên tâm sự. Là nói về những trải nghiệm, những suy nghĩ, những trăn trở. Là nói về cuộc sống, về các mối quan hệ, về con người.

Trong mắt Chó Sói, chị là một người cực kỳ lương thiện. Không phải hoàn hảo, không phải chưa từng mắc sai lầm, nhưng lương thiện.

Mà đối với Chó Sói, làm giàu có thể không khó, chứ làm người lương thiện thì rất khó. Và chắc chắn khó hơn làm giàu rất nhiều.

Là không tham nhũng lấy tiền xây biệt thự, là không nâng điểm đưa con em vào quân đội, công an, là không kê toa thuốc lẫn lộn để lấy tiền hoa hồng, là không xài hóa chất để bán hàng mau chóng. Là không câu cá nơi bờ kè bị cấm, là không vượt đèn đỏ hay chạy ngược chiều, là biết xếp hàng, không xả rác thênh thang. Là không ngoại tình, là dặn con trẻ phải bớt ồn ào nơi công cộng, là giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần, là phân loại rác…

Nhưng lương thiện, nói nghe dễ, chứ làm thì rất khó. Bởi mấy ai vượt qua được lợi ích cá nhân, hay nhu cầu mưu sinh, để sống lương thiện hơn mỗi ngày. Con người có trăm ngàn lý do, để “biện hộ” cho mỗi lần mình bớt đi sự lương thiện.

Và rõ ràng, như người chị của Chó Sói ở trên, lương thiện không giúp bạn tránh khỏi ung thư, hay bệnh tật.

Vậy, lương thiện rút cuộc có ích lợi gì?

Tất nhiên, đối với Chó Sói, đây là một câu hỏi kỳ-dị. Nhưng Chó Sói đồng ý, rằng bạn có lý lẽ riêng của bạn để hỏi: Lương thiện, rốt cuộc có ích lợi gì?

Hãy cùng Chó Sói nghe câu trả lời từ người chị:

“Lúc đầu, khi xuất hiện triệu chứng, và đi khám nhiều nơi không ra bệnh, chị có chút lo lắng trong người. Nhưng đến khi biết kết quả chính xác là ung thư, chị lại bình thản lắm. Chị tự nhiên nhìn lại quãng đời của mình, và nhận ra, chị không có gì phải hối tiếc cả!”

Vậy đấy, đó chính là kết quả của việc sống lương thiện. “Không có gì để hối tiếc”, chỉ-có-vậy-thôi. Nếu nó không mang lại ý nghĩa đặc biệt nào với bạn, thì Chó Sói cũng chẳng có ý kiến gì.

Nhưng Chó Sói tin rằng, những người hạnh phúc nhất mà bạn từng gặp, chính là những người đã sống một cuộc đời không phải hối tiếc. Nên, Chó Sói đang [không ngừng nghỉ] cố gắng sống lương thiện hơn mỗi ngày. Và Chó Sói hy vọng, đến một lúc nào đó, bạn cũng sẽ nhận ra để làm điều tương tự như vậy.

#camnangchosoi #kinhnghiemcuocsong

Nhiều người cứ thích khuyên bảo người khác phải làm gì, trong khi người ta chưa từng nhờ vả mình để cho lời khuyên.

Cái đó, không được gọi là quan tâm.

Cho dù bạn đang tự nghĩ mình có tư cách gì (ví dụ: đàn anh đàn chị, cô chú cậu dì…), hay bạn đang làm với động cơ đúng-đắn nào (ví dụ: thể hiện tình yêu thương, sự lo lắng…), thì, quan tâm đúng nghĩa là dựa trên nhu cầu của người khác, làm theo cách mà họ cần.

Khi bạn thành công với lựa chọn của bạn, điều này không đồng nghĩa rằng người khác cũng phải làm như vậy thì mới thành công. Hãy nhớ rằng, lựa chọn đúng đắn nhất đến từ những người chấp nhận được cái giá phải trả, và bạn thì thường không biết được người ta đang chọn trả cái giá nào đâu!

Dùng “tư cách” và “động cơ” của chính mình để ép người khác lựa chọn theo hướng mình muốn, chứ không phải theo hướng họ cần, là việc tệ nhất có thể làm, trên danh nghĩa của từ “quan tâm”.

Cho dù đó có là con cái, hay em út của bạn, bất chấp bạn đã từng [hoặc đang] có công ơn dưỡng dục to lớn như thế nào.

Hãy khuyên khi được người khác hỏi, còn không hãy im lặng. Cho phép người khác được lựa chọn, và ủng hộ họ trả cái giá mà họ muốn, đó mới là cốt lõi của sự quan tâm.

Tất nhiên, sự lựa chọn nên được giới hạn trong khuôn khổ của pháp luật [Mặc dù vậy, nếu ai đó muốn buôn lậu, và họ chấp nhận trả giá cho việc đó, thì bạn cũng rất khó để khuyên họ làm khác đi được. Việc bạn có thể làm, nếu họ chưa nghĩ đủ, là đưa ra cho họ cái giá phải trả rõ ràng hơn. Lúc này “làm rõ cái giá phải trả” chính là thể hiện sự “ủng hộ”, chứ không có nghĩa ta ủng hộ họ đi buôn lậu!].

Dòng giải thích trong ngoặc vuông là dùng cho những người cố tình đi lạc hướng (cười).

Chó Sói xin được nhắc lại một lần nữa:

“Cho phép người khác được lựa chọn, và ủng hộ họ trả cái giá mà họ muốn, đó mới là cốt lõi của sự quan tâm.”

————————

(*): Tiêu đề, nghe có vẻ “khuyên bảo”, thực chất chỉ viết dành cho “đại chúng”, trên trang riêng của Chó Sói. Mọi người có quyền đọc hoặc không, nên đảm bảo quyền được lựa chọn của mọi người nhé! (Cười)

Khúc dấu (*), cũng là dành cho những người vẫn cố tình đi lạc hướng, nha (cười)!

[Cảnh báo: Bài viết chứa nội dung có thể gây tranh cãi, trẻ em dưới 28 tuổi, những người-trong-ngành hoặc nhạy cảm khuyến cáo không nên đọc].

  1. Đối với bên mua:

– Bỏ ý nghĩ mua bảo hiểm để “sinh lời”: Bản chất bảo hiểm, nhắc lại, là để phòng ngừa rủi ro. Không có rủi ro là rất tốt. Đừng mua bảo hiểm cháy nhà rồi khi nhà không cháy thì tiếc, hết sức kì-dị.

Các kiểu thường thấy là:

“Chị mà bỏ 20 triệu một năm vô chứng khoán thì giờ phải có 40 triệu…”

“Chị rút tiền ra sao lỗ vậy em? Biết vậy chị gửi ngân hàng giờ còn nguyên…”

“Vậy là tới năm 65 tuổi chị sẽ có 10 tỷ phải không em?”

Tại sao?

Dù mục đích “sinh lời” không hẳn là sai khi mua một sản phẩm hay dịch vụ nào đó, thì “sinh lời” phải dựa trên công dụng chính của sản phẩm, như mua ghế là để ngồi, không phải để đứng lên thay bóng đèn. Bảo hiểm là mua “để huề”, không bao giờ cá nhân người mua bảo hiểm lại “lời” hơn công ty bảo hiểm được. Càng không thể lời hơn bất kì ngành nghề nào khác theo thời gian, rút sớm trong những năm đầu hoặc rút trễ trong những năm cuối đời (theo sản phẩm nếu không tiếp tục đóng phí) thì tiền còn rất ít, vì công ty bảo hiểm vẫn phải chi trả tiền cho bộ máy hoạt động của họ, chứ không phải kí vài tờ giấy là xong. Do nhiều tư vấn viên “nhân văn” quá nên nhiều người tưởng công ty bảo hiểm như chỗ làm từ thiện! Không phải nha, đó là công ty tài chính bình thường nhé!

– Không cần quan tâm so sánh các công ty bảo hiểm (công ty bảo hiểm nào mở ra được đều “có tiền”, nếu sập có công ty bảo hiểm khác mua lại), mà tập trung vô từng sản phẩm một, tuỳ theo mục đích:

Mua phòng bệnh thì hỏi về danh sách bệnh, số tiền viện phí nội ngoại trú, có kèm thẻ khám sức khoẻ không, chi tiền trước hay sau. Mua cho con học đại học thì phải biết đóng bao nhiêu năm, lỡ có chuyện con được bao nhiêu tiền/tháng, tiền đó ai giữ, chi trả cho con ra sao? Mua “sinh lời” thì đọc lại mục 1, rồi coi con số phụ lục về số tiền theo “lãi suất đảm bảo”, thường cỡ 2%, đừng coi số “dự kiến”, tưởng chắc chắn được chừng đó thiệt.

– “Bút sa gà xối mỡ”, bớt kiểu tin tư vấn viên mà không đọc hợp đồng:

Không đọc hợp đồng rồi kêu người ta “lừa” mình, thích đóng vai nạn nhân là một sự lố bịch. Đọc thì không cần đọc kĩ những điều khoản bự, mà đọc về những chỗ nguy hiểm sau: “điều khoản loại trừ”, tức khi nào không được trả; các chỗ đánh dấu (*), các dòng chú thích và các phụ lục. Đọc kĩ số tiền tối thiểu (nhắc lại 2 lần, là số theo lãi suất đảm bảo), được nhận (rút khi huỷ hợp đồng) từng năm trong bảng minh hoạ. Các sản phẩm nhân thọ phòng bệnh đa phần không trả cho ung thư giai đoạn 1 và 2, không trả cho hoá trị và xạ trị, muốn “bao” luôn thì phải trả thêm tiền. Nhớ hỏi giá tư vấn viên.

Nên lựa tư vấn viên như thế nào?

Nhiều người mua bảo hiểm do người thân, bạn bè bán. Cái này có mặt trái nguy hiểm. Sản phẩm do “Dì Tư”, “Cô Bảy” bán nhiều khi không hợp với nhu cầu, mà đòi hỏi thêm hay siết chặt các điều kiện thì mất lòng. Chưa kể buồn buồn “Dì Tư” úm luôn cái đồng hồ được tặng vì “hết hàng”, mà mình ngại không đòi “Dì Tư” được. Nên chọn “bạn của bạn” là tốt nhất, không phải người hoàn toàn xa lạ nhưng cũng không thân thiết gì, để mình tha hồ hỏi và siết điều kiện bảo hiểm.

Ai tư vấn mà nói “đây là sản phẩm mới, bên em chịu lỗ để kiếm khách hàng” cũng đừng có tin. Cứ tham khảo thêm vài ba tư vấn viên nữa về cùng một sản phẩm, rồi quyết định mua cũng chưa muộn. Giống như vô bệnh viện, người ta kêu “ung thư” cái đừng nhào liền vô trị. Đi thêm 2-3 bệnh viện nữa khám, nghe phác đồ của từng bên rồi hãy chọn lựa. Mua phòng rủi ro chứ không phải đi cướp cô hồn, đừng có nhanh tay lẹ mắt quá!

Còn mua bảo hiểm nhưng không biết mình đang ưu tiên mục đích gì?

Thôi, cứ làm “nạn nhân” vài lần đi cũng được. Dù sao công ty bảo hiểm cũng chẳng dễ dãi gì cho cam!

#camnangdilam #kinhnghiemdilam #camnangchosoi

[Cảnh báo: Bài viết chứa nội dung có thể gây tranh cãi, trẻ em dưới 28 tuổi, những người-trong-ngành hoặc nhạy cảm khuyến cáo không nên đọc].

Bảo hiểm hiện tại đã trở thành một trong những sản phẩm thông dụng, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ, dành cho phân khúc “dân công sở”. Nhiều người thậm chí còn lựa chọn làm tư vấn viên bảo hiểm bán thời gian bên cạnh công việc chính để gia tăng thu nhập. Với kinh nghiệm tiếp xúc của Chó Sói, phía bên dưới là những điều nên và không nên làm khi tham gia bán và mua bảo hiểm:

  1. Đối với bên bán:

– Đừng cố “nhân văn hoá” bảo hiểm, cố gắng làm nó “tươi đẹp” hơn các ngành nghề bán hàng khác:

Các kiểu thường thấy là:

“Chúng tôi không bán sản phẩm hay dịch vụ, chúng tôi chỉ giúp bạn bảo vệ cuộc đời” hay:

“Niềm vui của mình là nhìn thấy khách hàng được bảo vệ” hoặc:

“Đến khi khách hàng lên giường bệnh mình mới cảm thấy ý nghĩa trong công việc này. Giá như mọi người mua bảo hiểm sớm hơn”…

Tại sao?

Dù cảm nhận cá nhân thì không có đúng sai, nhưng khi bán hàng thì nên hiểu, bản chất của nó không có thay đổi. Đó là tương quan được-mất. Công ty bảo hiểm không có “tình người” hơn công ty bán đồ ăn nhanh. Khách hàng trả tiền để mua đồ ăn, cũng giống như khách hàng trả tiền để mua sự bảo vệ. Hay trả tiền để chữa trị tại bệnh viện. Nghề bán bảo hiểm cũng bình thường như bao nghề khác, chứ không “nhân văn” gì hơn. “Giá như khách hàng mua bảo hiểm trước khi nhập viện” từ miệng tư vấn viên, cũng giống như câu “giá như khách hàng đi ăn bò bít tết” trước khi bị đóng cửa vì “lockdown”, nó là chuyện được mất thông thường thôi.

– Đừng cố “lợi nhuận hoá” bảo hiểm:

Bảo hiểm bản chất là phòng ngừa rủi ro, chứ không phải tạo ra lợi nhuận. Dù Chó Sói hiểu rất nhiều khách hàng, đặc biệt những người tư duy yếu, không hiểu được điểm này, nên một số bạn tư vấn viên cố tình “thổi phồng” lợi nhuận bằng những con số dự kiến cao chót vót, vào cuối đời khách hàng, thay vì tập trung vào con số tối thiểu đảm bảo, để bán được hàng. Nếu bạn không muốn mang tiếng “lừa đảo” về lâu dài, thì đừng làm theo cách này. Nếu khách hàng muốn lợi nhuận cao, hãy khuyên họ đầu tư vào chứng khoán hay bất động sản, hoặc tự kinh doanh, và nhắc họ lợi nhuận cao thì rủi ro cao, chứ đừng mua bảo hiểm.

– Đừng nói “công ty em có chính sách chi trả hay bảo vệ tốt hơn”:

Chỉ có sản phẩm khác nhau, còn các công ty bảo hiểm đều như nhau, mức phí tương tự nhau, chính sách tương tự nhau, chế độ chi trả cũng tương tự. “Công ty bảo hiểm em đang làm tốt hơn công ty XYZ (trừ trường hợp so sánh công ty tư nhân với nhà nước, vốn dĩ cũng kì quặc)”, là một câu hết sức xạo-sự. Ngoại trừ công ty bảo hiểm mới tham gia thị trường, hay vừa tung sản phẩm mới [thường trả hoa hồng cao hơn cho tư vấn viên, áp doanh số thấp hơn, để tư vấn viên chuyển qua công ty nhiều hơn], chứ sau giai đoạn đó thì công ty nào chính sách cũng như nhau. Nguyên khúc này càng không liên quan gì nhiều tới quyền lợi khách hàng, trừ năm đầu tiên có khi chiết khấu hay quà tặng tốt hơn một chút, nhưng không đáng kể gì, vì mọi sản phẩm đều có khung, không thôi BTC và các công ty bảo hiểm nhà nước như BV lại chẳng ý kiến điều chỉnh!

(Còn tiếp)

#camnangchosoi #camnangdilam #kinhnghiemdilam

Tất nhiên, có nhiều bạn sẽ không hiểu Chó Sói đang nói gì.

Ví dụ như thế này:

Với những thể loại phim khác nhau, thì tiêu chuẩn phim hay cũng sẽ rất khác nhau. Cái này thì đúng rồi. Nhưng một kịch bản dở, thì là kịch bản dở, bất chấp nó thuộc thể loại gì, hay bạn đang là “fan cuồng” của thể loại đó như thế nào.

Tương tự như với tô bún bò.

Có nhiều kiểu bún bò ngon, nhưng tô bún bò dở là tô bún bò dở, không phụ thuộc vào “khẩu vị” của bạn. Bạn có thể ăn cay hơn một chút, ngọt hơn một chút, mặn hơn một chút, nhưng phải biết phân biệt được nước lèo đó có đang được nấu đúng kiểu hay không.

Đọc tới đây mà vẫn chưa hiểu gì, thì đó là lý do có tên gọi từ tiêu đề.

Đừng nên tiếp tục sống kiểu “thực bất tri kỳ vị”, lấy sở thích của mình để hành xử và đánh giá mọi thứ, mà không có thêm bất kỳ một nền tảng kiến thức hay tiêu chuẩn cơ bản nào.

Đặc biệt ở thời đại bây giờ, khi mà việc tìm kiểu kiến thức và kỹ năng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Sống “sang” lên nào các bạn, sống có “tiêu chuẩn” hơn nữa nha!

Nhưng bất chấp bạn tiếp tục sống “thực bất tri kỳ vị”, thì cũng không sao. Chỉ cần bớt lên tiếng vào nhiều vấn đề, giữ bản thân và tiêu chuẩn của mình ở yên một chỗ và không đụng đến ai là được.

#camnangchosoi #camnangdilam #kinhnghiemdilam