- Khi bạn bắt đầu nghĩ rằng Sếp của bạn dốt như vậy mà cũng được làm Sếp, thì đó chính là thời điểm bạn bắt đầu trượt dài trên con đường sự nghiệp của chính bạn.
- Kỹ năng quản lý luôn luôn được đánh giá cao hơn kỹ năng chuyên môn, cho dù người giỏi chuyên môn vẫn có chỗ đứng nhất định.
- Tâm trạng của bạn có tác động đến sự nghiệp của bạn nhiều hơn bạn tưởng. Còn nếu bạn nghĩ nó không có tác động gì, vậy thì bạn cũng dốt hơn bạn tưởng.
Hôm bữa, Chó Sói bắt Uber đi uống cà phê. Tình cờ nghe anh tài xế- hiện đang làm việc cho giám đốc một công ty tư nhân- than phiền:
“Đi làm ở công ty mệt mỏi lắm em. Anh chỉ có mặt ở đó thôi mà đã nghe đủ thứ chuyện. Nhân sự không ưa kế toán, kế toán không ưa bán hàng, bán hàng không ưa CS (dịch vụ khách hàng), CS không ưa lẫn nhau…”
“Công ty lớn nó thường vậy đó anh ơi!”
“Lớn đâu mà lớn em, công ty anh có mười mấy người à!!!”
Đi làm, mọi người thường hay chia sẻ một câu nói, rằng “hãy xem công sở như là gia đình thứ hai của bạn”. Đối với Chó Sói, đây thiệt là một câu nói kỳ-dị. Tất nhiên, Chó Sói không nói rằng công sở là một nơi đáng sợ. Nhưng, công sở không, và sẽ không bao giờ, trở thành gia đình thứ hai của bạn theo đúng nghĩa được, bởi vì:
1- CHỨC DANH- QUYỀN LỰC VÀ LỢI ÍCH:
Ở nhà, đương nhiên chúng ta có tôn ti trật tự không thể thay đổi, anh chị của bạn sẽ mãi là anh chị của bạn, cho dù là mười hay hai chục năm sau. Nhưng ở công sở, chuyện không xảy ra như vậy. Người hôm nay là đồng nghiệp của bạn, ngày mai có thể trở thành sếp của bạn. Người hôm qua còn là sếp của bạn, ngày mai có thể trở thành đồng cấp với bạn. Chính vì chức danh mà bạn có luôn có thể thay đổi, nên đương nhiên quan hệ của bạn với mọi người sẽ thay đổi. Khi bạn lên chức (hay đồng nghiệp của bạn trở thành sếp của bạn), thì lợi ích sẽ bắt đầu thay đổi, quyền lực sẽ khác nhau, dẫn đến mối quan hệ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Thêm vào đó, trong gia đình, cho dù anh Hai bạn không-chịu-làm anh Hai nữa, thì cũng không ai nhảy vào thay thế được. Nhưng ở công sở, khi một vị giám đốc rời đi, thì có tận bốn phó giám đốc sẵn sàng nhảy vào. Có tận bốn ứng cử viên, nên làm gì có chuyện không xảy ra đủ thứ sự cố vì tranh giành quyền lực. Không có gia đình nào hoạt động theo kiểu như vầy được!
Và từ lý do số 1, sẽ nảy sinh lý do số 2.
2- TIN ĐỒN CÔNG SỞ:
Ở nhà, mọi người hay nói thẳng với nhau. Cho dù chúng ta có không thích nghe lời thẳng thắn, thì người nhà cũng không bỏ nhau vì ai đó thẳng thắn. Nhưng ở công sở, thẳng thắn đôi khi khiến bạn mất việc, mất chức, mất quan hệ, nên người ta không nói thẳng.
Mà khi người ta không nói thẳng, thì người ta sẽ nói sau lưng. Nhiều người tụm vào nói sau lưng, thì nhiều tin đồn sẽ xuất hiện, có cái chẳng đúng xíu nào.
Nhưng cho dù tin đồn không đúng xíu nào, nó vẫn sẽ lan truyền với tốc độ chóng mặt. Bởi vì khi người ta kể chuyện, người ta phải thêm mắm dặm muối, cho câu chuyện thêm phần hấp dẫn. Không ai kể một câu chuyện như vầy:
“Sếp tui khó tính, nên chắc trong chuyện tình cảm cũng khó tính.”
Mà nó phải được chuyển thể giống như vầy:
“Sếp tui á hả, bả khó chịu lắm nha. Mà bả không chỉ khó chịu trong công việc không đâu, bả còn không thích nhân viên yêu đương trong công sở. Chắc do hồi xưa bả yêu ai đó trong công ty rồi bị đá nên mới hận-tình như vậy!!!”
Và ngày hôm sau, sếp nữ đó sẽ có nick-name mới: LÝ MẠC SẦU (*).
3- BẠN KHÔNG THỂ CHỌN GIA ĐÌNH, NHƯNG LUÔN CÓ THỂ CHỌN CÔNG TY
Nói cho cùng, đây chính là lý do quan trọng nhất. Bạn có thể không thích gia đình của bạn, nhưng bạn không thể chọn lựa khác đi được. Công việc thì không giống vậy, bạn luôn có thể lựa chọn bỏ công việc hiện tại, và tìm đến một chỗ khác.
Hoặc đơn giản, bạn bỏ gia-đình-thứ-hai để tự mở gia-đình cho chính bạn.
Nhưng đương nhiên, gia-đình-thứ-hai vẫn có thể coi là một kiểu nói bóng-gió, về nơi mà bạn phải dành nhiều thời gian trong cuộc đời của bạn ở đó. Bài viết này chỉ muốn nhấn mạnh, rằng đừng hy vọng sếp của bạn, hay đồng nghiệp của bạn, có thể thật sự xem bạn như một người-trong-gia-đình. Trong quan hệ công sở, thì cho dù sếp của bạn có dễ chịu thế nào, họ vẫn là sếp của bạn. Họ không thể trở thành chị-Hai của bạn. Cũng như vậy, đồng nghiệp của bạn không thể trở thành em-út của bạn (đôi lúc, Chó Sói nghĩ rằng bạn-bè đúng nghĩa là rất hiếm rồi), họ sẽ luôn là đồng nghiệp của bạn.
Vì thế, hãy xây dựng quan hệ tốt nhất có thể nơi công sở, nhưng đừng kỳ vọng gì ở mọi người.
———–
(*): Một nhân vật trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung.
Chó Sói có anh bạn làm truyền thông ở công ty bự bự (anh Hà Mã, cho tiện xưng hô), là nhân tài, nhưng mãi không được thăng chức, dù rằng sếp trực tiếp của anh ấy hỗ trợ hết mình. Mỗi lần “review” (ý chỉ kỳ đánh giá năng lực làm việc), sếp của anh Hà Mã đều chủ động xúc tiến sẽ thăng chức cho anh, nhưng rồi sếp trên chẳng bao giờ đồng ý.
Lần đầu thì “Sếp trên nói em chưa đủ kinh nghiệm làm quản lý”, lần hai thì “Sếp trên đang quan sát khả năng quản lý của em”, lần ba thì “Sếp trên nói em chưa hòa hợp được với đội ngũ”. Ba năm, anh bạn của Chó Sói quá nản, nên chia sẻ với sếp của mình rằng anh sẽ nghỉ việc, để chuyển qua một môi trường khác, được trọng dụng hơn.
Sếp của anh rất buồn, nhưng cũng thông cảm, và ủng hộ anh đi qua công ty mới. Sếp chỉ tiếc, là không thể giữ lại được một nhân tài như anh.
Anh Hà Mã chuyển qua làm truyền thông cho một công ty mới (làm game online, cũng bự bự).
Làm được một năm, anh vừa được thăng chức, thì sếp trực tiếp của anh nghỉ. Rồi không hiểu số đời đưa đẩy thế nào, sếp trên ngày xưa của anh lại về công ty game bự bự ấy làm, thay thế sếp trực tiếp của anh.
Khỏi nói, với tì vết ngày xưa, hai người làm việc chẳng suôn sẻ gì. Nhưng ở bên đây, anh Hà Mã đã có vị trí đáng kể, không còn như ngày xưa nữa. Thế là phòng ban loạn hết cả lên. Mấy “con” game mới, chiến lược cứ rối ào ào. Trên bảo dưới không nghe.
Ba tháng, quá mệt mỏi, sếp mới họp riêng với anh Hà Mã:
– Anh không hiểu được lý do em không hợp tác với anh?
Nói qua nói lại một hồi, nóng máu, anh Hà Mã mới thuật lại câu chuyện ngày xưa, định bụng nói ra rồi, coi như nghỉ việc lần nữa cũng chịu:
– Cái gì mà “chưa đủ kinh nghiệm”, cái gì mà “quan sát khả năng quản lý của em”, cái gì mà “không hòa hợp được với đội ngũ”, anh suốt ngày nhận xét bất chấp như vậy, ai mà làm việc được với anh.
Đang đinh ninh rằng sếp mới của mình sẽ nổi trận lôi đình, hay lao vào phân minh biện hộ, còn đang tính sẵn sàng về viết đơn nghỉ việc, thì thấy sếp chỉ trưng vẻ mặt ngạc nhiên, rồi nói với anh:
– Cái đó ngày xưa không phải là ý của anh.
Lần này, đến lượt mặt anh Hà Mã ngơ ngơ ngác ngác.
– Mấy lần anh hỏi anh H. (ý là sếp hồi xưa của anh Hà Mã), sao em làm việc tốt thế mà không cho lên chức, anh ấy nói em tuy chuyên môn tốt nhưng còn chưa đủ kinh nghiệm quản lý, cần quan sát thêm, rồi cần phải học cách hòa hợp với đội ngũ. Anh ấy là sếp trực tiếp của em, nên nhận xét thế thì anh đâu có ý kiến gì.
Cái các bạn vừa nghe, được gọi là “NÉM ĐÁ GIẤU TAY”.
“NÉM ĐÁ GIẤU TAY”: Ý chỉ những người là thủ phạm nhưng mưu mẹo che giấu, không để người khác phát hiện ra hành vi của mình.
Chắc các bạn sẽ thắc mắc, vậy động cơ của anh H. ở trên là gì?
Anh Hà Mã lúc đó không biết, sếp mới của anh cũng không biết, Chó Sói càng không thể biết.
Nhưng suy đoán mọi người có được, chỉ thường nằm ở một động cơ, đó là vì anh Hà Mã giỏi quá, nên anh càng lên cao, thì anh H. càng có khả năng mất chức của mình.
Tất nhiên, không phải ai cũng giỏi đến mức làm cho sếp của mình phải quan ngại, như anh Hà Mã. Nhưng trong công sở, hành vi ném-đá-giấu-tay vẫn thường xảy ra. Mở rộng ra, khi bạn nghe bất kỳ thông tin gì, thường là từ người thứ ba nào đó, thì nên gặp mặt người ta mà thủ thỉ hỏi coi. Đừng có cái gì cũng tin, cũng nghe từ một phía.
Đợt trước, Chó Sói đã từng hỏi bạn, rằng bạn có biết tại sao người bạn của Chó Sói lại phải rời bước khỏi công ty nhanh như vậy, cho dù dự án đó thật sự rất thành công???
Câu trả lời đến từ chiêu thức số hai.
Sau dự án đó, người bạn của Chó Sói được thăng chức, lên làm giám sát của bộ phận. Những tưởng chuỗi ngày cơ cực đã qua. Nhưng, mọi chuyện lại không đơn giản như vậy.
Làm giám sát, công việc của anh ấy bộn bề hơn. Không được sếp trên hỗ trợ, mọi chuyện khó khăn hơn rất nhiều.
Nhưng đó chưa phải là tất cả.
Khoảng nửa tháng sau, không hiểu sao mà các nhân viên cấp dưới của anh ấy lại thường xuyên chống đối anh ấy dữ dội. Công việc đã chất đống, nhân viên lại có thái độ lên xuống, anh ấy thường xuyên mệt mỏi và cáu gắt.
Rồi, một cấp dưới của anh ấy xin nghỉ việc.
Thế là, cả phòng ban bắt đầu rộ lên một câu chuyện: Anh ấy từ khi lên chức đã trở thành một con người khác, độc tài quá quắt, đến độ nhân viên không chịu nổi, phải xin nghỉ.
Câu chuyện không dừng lại ở phòng của anh, câu chuyện còn lan sang các phòng khác.
Rồi rất nhanh chóng, nó lan ra cả công ty.
Anh bạn của Chó Sói lại là người thẳng tính, mồm miệng không được khéo. Thế nên, chỉ một thời gian sau, mọi người tin nó đến nỗi, mỗi lần anh có ý kiến đóng góp, đều bị gán cho cái mác “độc tài”, không chịu nghe theo ý ai.
Dần dà, không ai chịu hợp tác với anh cả.
Quá mệt mỏi vì áp lực, công việc không hoàn thành, người ta lại bàn ra tán vào liên tục, chỉ ba tháng sau ngày được lên chức, anh ấy xin nghỉ.
Tất nhiên, sếp anh ấy chẳng giữ anh ấy lại. Ngày ký đơn xin nghỉ, sếp anh ấy chỉ nhìn anh ấy bằng con mắt thương hại, rồi nhẹ nhàng cười.
Anh bạn của Chó Sói đã rời khỏi công ty như vậy đó.
Bạn sẽ tự hỏi, thế thì liên quan gì tới chiêu thức số hai.
Mới đầu, anh bạn của Chó Sói cũng chả thấy có gì liên quan. Cho tới một ngày, anh ấy gặp cậu nhân viên đã từng xin nghỉ khi anh ấy lên làm giám sát.
– Sếp nói với em rằng anh vốn là người kiêu ngạo, lên chức thể nào cũng ra mặt với đời. Em lúc ấy mới vô làm, đâu biết tính ai như thế nào. Mà sau đó anh cũng hay la em, nên em càng tin vô lời sếp.
– Lúc em xin nghỉ, sếp cũng có đến nói chuyện với em. Sếp an ủi em nhiều, rồi cũng bóng gió nhờ em nói lại với các đồng nghiệp, rằng hôm nay là em, ngày mai lại tới người khác thôi.
– Em lúc ấy còn non, chẳng biết mình bị sếp dắt mũi. Giờ anh em ngồi lại, mới thấy hồi đó mình ngây thơ biết bao.
Đây, xin trân trọng giới thiệu với mọi người. Chiêu thức thứ hai mà sếp của anh bạn đó đã áp dụng, chính là “ngậm máu phun người.”
“NGẬM MÁU PHUN NGƯỜI”: dùng lời lẽ hoặc hành động vu khống người khác, đồng thời lan truyền tin đã vu khống trên diện rộng, bằng miệng mình hoặc thông qua những người cả tin khác.
Tuy hơi buồn, nhưng công sở cũng có lúc như vậy đấy. Mọi người đi làm, hãy cẩn trọng với những tin đồn về mình.
Như Chó Sói đã từng đề cập ở những bài viết trước, có rất nhiều người đạt được chức vụ cao nơi công sở do thuần thục sử dụng cái mà Chó Sói gọi là “Tứ Đại Chiêu Thức”. Tất nhiên, có nhiều chuyện diễn ra ở công sở, nhưng đây là bốn hiện-tượng phổ biến nhất mà dân công sở đi làm hay gặp phải. Hôm nay chúng ta sẽ bàn về chiêu thứ nhất, có tên: “Thượng đội hạ đạp”.
Tương truyền, những người muốn thăng chức khi sử dụng chiêu thức này cần làm hai việc chủ yếu sau đây: Với cấp trên thì nịnh bợ hết cỡ, sai gì cũng làm không chút ý kiến, gọi là thượng đội, tức là coi cấp trên như ông bà nội; với cấp dưới thì chà đạp hết cỡ, việc gì không thích hoặc khó làm thì giao hết cho cấp dưới làm, gọi là hạ đạp, cấp dưới có ý tưởng gì hay thì cướp công hết về phần mình.
Đối với dân công sở, đi làm mà gặp trúng sếp nhuần nhuyễn “Thượng đội hạ đạp” là chỉ có khóc-tiếng-Thái. Làm đầu tắp mặt tối mà công lao thì chẳng được ghi nhận, có ý tưởng nào hay ho, một là bị sếp cướp, hai là nếu sếp không cướp mà ý đó hay hơn ý sếp thì bị sếp vùi dập cho tan nát.
Có anh bạn của Chó Sói, sau khi sống dưới triều đại của một vị sếp “Thượng đội hạ đạp”, chịu không nổi bèn đánh liều “book” một buổi họp với sếp-trên-của-sếp, để đề bạt ý tưởng. Ý tưởng đó rốt cuộc được sếp-trên đánh giá rất cao, giao cho anh về triển khai. Vài ba tháng sau, anh ấy lên-đường.
Ấy, bạn nghĩ là tại sao?
Trước khi bạn đưa ra kết luận, Chó Sói cho bạn một gợi ý nhé. Ý tưởng đó thật sự đã được triển khai thành công, và anh bạn của Chó Sói cũng được tưởng thưởng rất nhiều.
Vậy thì tại sao…
Nếu bạn chưa nghĩ ra, bạn là người khá may mắn đấy, vì bạn chưa làm việc với một sếp quen “Thượng đội hạ đạp”. Cứ từ từ hỏi những người có-kinh-nghiệm, rồi người ta sẽ giải thích cho.
Còn nếu không có ai giải thích cho?
Không sao, kỳ sau, Chó Sói sẽ lại tiếp tục cùng bạn.
Mấy bữa trước Chó Sói có cùng bạn đi coi Zootopia, và nhận thấy đây là một bộ phim đáng xem. Sơ lược, thì Zootopia là hành trình trở thành cảnh sát thỏ đầu tiên trong thế giới thú của cô thỏ Judy, với đầy đủ những trăn trở, suy nghĩ, khờ khạo, cả tin, đi kèm với nỗ lực, kiên trì, lý tưởng và trải nghiệm.
Trong đó, có trải nghiệm về tình bạn, về tình người, về niềm tin.
Đối với dân công sở, một trong số những bài học trải nghiệm mà Chó Sói nghĩ mọi người có thể nhận thấy, đó chính là:
– Người ngay từ đầu luôn ủng hộ bạn mà không có chút đắn đo, suy nghĩ, đa phần đều có dụng tâm khác. Có đôi khi, đó lại là kẻ thù của bạn.
– Người ngay từ đầu có vẻ chống đối, không tin tưởng bạn, qua quá trình tranh đấu, tìm hiểu, lại trở thành người cộng sự đáng tin tưởng của bạn.
– Hình ảnh tốt đẹp là thứ người ta luôn cố giữ trong mắt người khác. Nhưng, đó lại là điều dễ hủy hoại và làm cho người ta sa vào những hành động bất chính. Đừng quá thật, nhưng hãy sống thật một cách khôn khéo.
Và, nhận lỗi ngay từ đầu luôn tốt hơn là biện hộ.
Nếu rảnh, dân công sở rủ nhau đi xem nhé. Con nít, người lớn, tât cả đều có thể gặt lấy những bài học có giá trị!:)C
Như đợt trước Chó Sói có đề cập, sau tết là thời điểm rất nhiều anh chị em công sở lên đường…tìm việc khác. Đôi lời muốn chia sẻ với các anh chị, theo kinh nghiệm tuyển dụng của Chó Sói, đó là tránh để mình rơi vào 7 loại ứng viên mà nhà tuyển dụng không-ưa-nổi:
- Kiểu ứng viên ngạo mạn: Tự tin thì khác với ngạo mạn. Nhưng có rất nhiều ứng viên không phân biệt nổi hai khái niệm này. Kiểu nói chuyện, tư thế ngồi, cách lên xuống giọng, ứng viên ngạo mạn kiến nhà tuyển dụng muốn cho về ngay lập tức.
– Trích dẫn:
“Vì em là du học sinh ở Anh về nên em sẽ đem những kiến thức và kinh nghiệm từ một đất nước tiên tiến văn minh hơn để phát triển công ty mình lên một tầm cao mới.”
- Kiểu ứng viên cá-vàng: Hỏi cái gì cũng không biết, JD thì không coi, website cũng không lên. Không biết là hy vọng người ta tuyển dụng mình bởi cái gì, ngoài những cái chớp mắt ngơ ngác.
– Trích dẫn:
“Ủa công ty mình phải mặc đồng phục hả anh? Ủa phải làm sáng thứ bảy hả anh? Ủa mình có bán sản phẩm đó nữa hả anh?”
- Kiểu ứng viên dòng-đời-xô-đẩy: Đi phỏng vấn vì không còn chỗ nào gọi phỏng vấn, không hứng thú gì với công việc đang ứng tuyển (dù có để lộ ra hay không).
– Trích dẫn:
“Em thấy công việc này rất phù hợp với em. Nếu được tuyển em sẽ dốc hết sức mình cống hiến cho công ty. Cho em hỏi em nộp đơn vô vị trí gì vậy ạ?”
- Kiểu ứng viên vật chất: Bị tiền làm mờ mắt, soi từ lương cơ bản cho đến phụ cấp giặt-quần-áo.
– Trích dẫn:
“Công ty mình không có phụ cấp ăn trưa hả anh? Tiền điện thoại em cũng phải tự trả hả anh? Công ty mình có chính sách thưởng nóng gì không anh?”
- Kiểu ứng viên gia đình: Rõ ràng như tên gọi, em-yêu-gia -đình.
– Trích dẫn:
“Dạ em không làm thêm giờ được đâu nha anh tại tới giờ đó là chồng em qua đón em rồi. Em còn phải về lo cơm nước cho mẹ chồng em ở nhà nữa.”
- Kiểu ứng viên không-chịu-phát-triển: Cái này đương nhiên tùy vị trí, nhưng cơ bản là đã đi làm thì phải quan tâm đến nấc thang nghề nghiệp, hoặc các cơ hội phát triển bản thân.
– Trích dẫn:
“Em cũng không có nhu cầu thăng tiến gì đâu anh. Em chỉ cần công việc ổn định. Dạ có cơ hội phát triển bản thân thì cũng thích, mà nếu không có thì cũng không sao.”
- Kiểu ứng viên con-ông-cháu-cha: Những người này tốt nhất nên cho vô thẳng, đừng phỏng vấn làm gì mất công.
– Trích dẫn:
“Sao anh hỏi khó em vậy? Hồ sơ em nộp đủ rồi mà. Hôm bữa cậu em đâu có nói em phải phỏng vấn rườm rà rắc rối vậy đâu.”
Tất nhiên chia sẻ này là dành cho những anh chị thật sự cần một công việc thôi. Còn các anh chị nào buồn thỉnh thoảng đi phỏng vấn để thay đổi không khí (như Chó Sói từng làm chẳng hạn) thì không sao.
Mấy ngày gần đây lên văn phòng vắng teo người, dự là anh chị em đã bắt đầu về quê ăn tết. Những người còn lại, ở thì ở vậy, ngồi thì ngồi vậy, chứ toàn bật màn hình máy tính rồi nhìn mông lung, rõ là đầu óc đã theo ông táo về trời từ dạo ấy. Nói chung là người Việt mà, dù ít hay nhiều thì Tết âm lịch vẫn luôn có tầm quan trọng không thể thay thế được.
Đối với dân công sở, chuyện tiền-tết, trong-tết và hậu-tết hay diễn ra như thế này:
1. Tiền-tết: Ôm một đống tiền (lương và thưởng) mua sắm bạt mạng. Ai không có thì cũng mượn tiền mua sắm qua tết trả!
2. Trong-tết: Sau khi đem tiền phân phát vòng vòng, thì đối diện với những câu hỏi năm-nào-cũng-không-muốn-trả lời, ví như:
Ai chưa đẻ thì khi nào đẻ?
Ai chưa chửa thì khi nào chửa?
Ai chưa cưới thì khi nào cưới?
Ai chưa bồ thì khi nào bồ?
Ai chưa chết thì…à mà thôi…còn sống là được…
3. Hậu-tết: Bánh tét bánh dày theo cả vào trong não. Tuần đầu tiên làm việc như cực hình. Tuần thứ hai làm việc trong mệt mỏi. Tuần thứ ba chấp nhận sự thật. Tuần thứ tư lại bắt đầu công việc như bình thường.
Tất nhiên, cái này là nói chung. Có người làm khác hơn. Có người chăm chỉ làm việc hơn. Có người mau bắt kịp nhịp độ hơn.
Và tất nhiên, cũng có người vừa qua tết là nghỉ việc. Chứ còn, lấy lương thưởng xong rồi thì chuyển đổi công ty thôi chứ!
Ấy, mới là dân công sở!:))
Sáng nay đọc một bài báo, tự nhiên nhớ lại cái thời mới đi làm. Hồi đó, có cái hợp đồng khách hàng đòi giảm giá. Chó Sói mới vào không biết gì, nên hỏi một ông anh đang làm Senior ở trong phòng, coi có thể giảm giá được không. Ổng nói được. Chó Sói bảo anh đi xác nhận với Sếp giúp em, ổng nói “Anh làm ở đây bao lâu rồi, mày cứ tin anh đi, anh biết chắc chắn được”, thế là mình báo lại cho khách hàng.
Một ngày đẹp trời, Sếp gọi Chó Sói vào phòng họp. Sau đó chửi một trận te tua, nói mình mới vào làm mà tự tung tự tác, làm công ty tổn thất bao nhiêu tiền. Chó Sói hỏi sếp:
– Dạ không biết cụ thể là em đã làm sai gì vậy sếp?
Sếp trả lời:
– Cái hợp đồng với công ty Vàng-Bạc-Không-Bao-Giờ-Giả, ai cho phép em tự động giảm giá?
Chó Sói nói:
– Dạ cái đó em có hỏi anh H. rồi đó sếp. Anh H. bảo được nên em báo lại với khách hàng.
Sếp lập tức gọi anh H. vào phòng:
– Thằng Chó Sói nói với anh là em kêu nó giảm giá hợp đồng cho công ty đó, có phải như vậy không?
– Dạ, công ty nào sếp?- Anh H. nhìn vào bản báo cáo rồi ngước mặt lên- Dạ không hề, em đời nào dặn dò mấy chuyện đó. Em làm ở đây bao lâu rồi, sao mà để mắc lỗi như vậy được. Có cái gì chứng minh được là em đã nói như vậy không sếp?
Bây giờ nhìn lại, đó vẫn là một trong những bài-học-công-sở cay đắng mà thiết thực nhất Chó Sói từng học. Nói chung, đi làm đừng có tin người quá. Dù là ai, khi làm việc vẫn phải có email, tin nhắn…nói chung là các loại bằng chứng giấy trắng mực đen, để tự bảo vệ mình.
Và cũng đừng nghĩ anh H. ở trên đây là người cá biệt. Khi đụng đến trách nhiệm, trái banh đá được vô đâu thì người ta đá thôi.
Đó là chúng ta còn chưa đụng đến Tứ-đại-chiêu-thức nơi công sở, mà những dịp sau, Chó Sói sẽ tiếp tục chia sẻ với bạn.
Hello dân công sở!
Một tháng vừa qua mọi người đã làm những gì? Có gì vui không? Nếu có ai vô tình thương nhớ, thì Chó Sói xin cáo lỗi cùng bạn. Cuối năm mà, Chó Sói có nhiều việc phải thu xếp lắm. Với lại, cũng phải nghe ngóng xem công ty làm ăn thế nào.
Tức là, đoán xem cái chuyện–mà-ai-cũng–biết-là-chuyện-gì-đấy.
Nếu bạn đang nghĩ, và thường thì bạn nghĩ đúng, Chó Sói đang muốn đề cập đến chuyện tháng lương 13 cộng thưởng cuối năm đó mà.
Đối với dân công sở, đặc biệt là dân công sở ở-dưới–quê-lên, năm nào cũng đợi tháng lương 13 để ôm một cục (cục tiền nha) về quê ăn tết. Tội trúng năm nào công ty làm ăn thất bát, về quê ăn tết cũng cám cảnh hơn mọi năm.
Nhưng năm nay Chó Sói làm ăn khá hơn, nên về quê ăn Tết chắc không có vấn đề gì nhiều.
Thế là mới sực nhớ tới vụ phải lên đây viết tiếp Cẩm nang đi làm của Chó Sói.
Đợt trước, chúng ta đã dừng ở tên người thầy đầu tiên của Chó Sói. Người thầy đầu tiên của Chó Sói, nhắc lại, tên là anh Báo Đốm.
Vào thời điểm đó, anh Báo Đốm đang làm quản lý nhân sự tại một công ty tầm trung, khoảng 500 người. Chó Sói không gặp anh Báo Đốm khi đi phỏng vấn, Chó Sói gặp anh Báo Đốm trong một chuyến đi làm tình nguyện giảng dạy ở một huyện vùng ven tại TP.HCM.
Anh Báo Đốm cũng không trực tiếp dạy dỗ gì Chó Sói. Anh Báo Đốm chỉ tình cờ nghe được câu-chuyện-hồ-sơ-xin-việc của Chó Sói, trong một lần giải lao trà dư tửu hậu giữa mọi người.
– Thế Chó Sói, em viết gì vào trong CV, cho anh mượn xem qua tí nào.
Một cái lắc đầu, rồi hai cái lắc đầu, rồi lại chặc lưỡi, cái CV đầu tiên mà anh Báo Đốm ngồi đọc cùng Chó Sói, đến bây giờ nhớ lại, quả thật mang-nhục quá đi.
– Chó Sói này, anh biết em giỏi. Không phải anh khen em, cái này là sự thật. Nhưng Chó Sói này, em có giỏi đến độ đó không?
– Em vừa ra trường, mức lương 5.000.000 không ai trả đâu (mức lương 5.000.000 vào thời điểm đó, chắc khoảng tầm 8.000.000- 9.000.000 thời điểm bây giờ). Cái bằng loại giỏi chả có giúp ích gì cả. Em học quản trị, nhưng chả có ai cho em làm quản lý ngay đâu. Người ta phải xem thực tế em làm việc như thế nào đã.
– Rồi nhé, CV này gửi hàng loạt đúng không. Bởi vậy, nó chả có gì đặc sắc. Ví như em gửi cho công ty giải khát đứng nhì thế giới này, thì phải xài màu xanh dương cho giống với người ta chứ.
– Rồi nhé, công việc làm thêm của em cũng chả ăn nhập gì. Cái vụ PG, PB nghe thì hay đấy, nhưng chả có liên quan gì tới nghề nghiệp chuyên môn trong tương lai. Cái mục này, là mình phải đi làm những công việc cụ thể liên quan tới lĩnh vực chuyên môn ấy chứ.
– Cái này nữa này, chả đúng gì cả, cái này nữa này…
Sau một hồi “ăn chả” la liệt, Chó Sói bắt đầu định hình được mong đợi của doanh nghiệp đối với các bạn sinh viên mới ra trường. Đúc kết lại, bài học đầu tiên dành cho những bạn hậu-bối của Chó Sói khi vừa ra trường là nên lưu ý những điều dưới đây:
1. Đừng nghĩ mình giỏi, cho dù bạn tốt nghiệp từ trường-danh-tiếng nào, hoặc đi du học Âu-Mỹ về. Chẳng ai trả tiền cho cái bằng tốt nghiệp của bạn, họ chỉ trả cho khả năng làm việc của bạn thôi.
2. Khả năng làm việc thường thì chỉ vô làm mới biết, mà vô làm thì nên bắt đầu học từ những kỹ năng cơ bản nhất, như là photocopy, scan tài liệu, bưng-trà-rót-nước đồ…
3. Quản trị kinh doanh là một trong những ngành học nghe hay ho nhất, nhưng còn lâu lắm bạn mới được làm công tác quản-trị, thế nên, dừng mơ mộng lương bổng cao cấp, mà chuẩn bị tinh thần học hỏi thật nhiều vào. Nếu được, làm miễn phí luôn.
4. Bớt gửi CV hàng loạt. Chọn lọc một số công ty nhất định mà đầu tư. Nên tìm hiểu kỹ lưỡng về từng công ty. CV không được có lỗi chính tả!
5. Tất cả những điều trên có thể quên đi hết, nếu bạn là con–ông–cháu-cha!